Đề xuất hạn chế mua bán vàng miếng bằng tiền mặt
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM vừa đưa ra một loạt đề xuất, tham mưu liên quan việc sửa đổi các quy định liên quan đến thị trường vàng, nhằm ổn định giá mặt hàng này.
Cụ thể, tại họp báo kinh tế xã hội TP. HCM diễn ra mới đây, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã mang lại những kết quả tích cực, quan trọng đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần chống USD hóa, vàng hóa nền kinh tế. Nhưng sau hơn 10 năm nghị định này đi vào áp dụng, đã và đang xuất hiện những tồn tại hạn chế, vướng mắc như: chênh lệch ngày càng cao giữa giá vàng thế giới và trong nước, tạo vấn đề tâm lý nhất định nơi người dân và nhà đầu tư, đặc biệt mỗi khi thị trường vàng có những biến động.
Những phát sinh hạn chế từ thị trường đòi hỏi nhà điều hành nâng cao hiệu quả công tác quản lý về thị trường, giá vàng, nguyên liệu đầu vào, về công tác thanh tra, kiểm tra, và công tác truyền thông. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM đã có kiến nghị, đề xuất cụ thể liên quan đến việc quản lý thị trường vàng và chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Khẳng định vàng vẫn là loại hàng hóa đặc biệt có quan hệ trực tiếp đến ngoại tệ và tiền đồng; quản lý hiệu quả thị trường vàng có vai trò quan trọng, do đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM kiến nghị chỉnh sửa bổ sung các quy định liên quan đến quản lý thị trường vàng. Trong đó, xem xét đề xuất cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống hoạt động rửa tiền.
Cơ quan này cũng đề xuất quy định trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến quản lý thị trường vàng (gồm cả vàng miếng và sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ). Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường cũng như kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm...