Đề xuất tiêu chí mới công nhận bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền
Bộ Y tế đang dự thảo thông tư cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Ảnh minh họa.
Theo đó, dự thảo nêu rõ tiêu chí công nhận bài thuốc gia truyền bao gồm:
- Bài thuốc gia truyền là bài thuốc được gia đình, dòng tộc truyền lại từ hai đời trước đó, được điều trị cho nhiều bệnh nhân đạt hiệu quả.
- Bài thuốc gia truyền đã sử dụng điều trị cho người bệnh và được ghi chép quá trình chẩn đoán, thời gian điều trị, số lần tái khám và kết quả điều trị. Có 100 người bệnh trở lên được sử dụng bài thuốc gia truyền. Trường hợp không có đủ danh sách 100 người bệnh thì phải làm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để đánh giá tính an toàn hiệu quả của bài thuốc theo quy định của Luật dược.
- Bài thuốc gia truyền có thành phần, cách bào chế, dạng bào chế, liều dùng, cách dùng, đường dùng, chỉ định, chống chỉ định và xử lý khi tác dụng không mong muốn xảy ra.
- Bài thuốc gia truyền phải được thử độc tính cấp và bán trường diễn tại cơ sở có đủ điều kiện để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
- Bài thuốc được sao chép, tham khảo trong các tài liệu đã công bố, xuất bản; Bài thuốc cổ phương hoặc cổ phương gia giảm hoặc được ghi chép trong các tài liệu y khoa đã được công bố thì không được công nhận là bài thuốc gia truyền.
Theo dự thảo, người được cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền phải có đủ sức khoẻ và năng lực hành vi dân sự; có văn bằng tốt nghiệp từ phổ thông trung học trở lên; được sở hữu hợp pháp bài thuốc gia truyền được gia đình, dòng tộc truyền lại và hiểu biết thành phần, công dụng, cách bào chế của bài thuốc gia truyền để điều trị chứng bệnh hoặc bệnh.
Cũng theo dự thảo, phương pháp chữa bệnh gia truyền được công nhận khi có được những tiêu chí sau:
- Phương pháp chữa bệnh gia truyền là phương pháp được ghi chép lại từ hai đời trước của gia đình, dòng tộc, được điều trị cho nhiều bệnh nhân đạt hiệu quả.
- Phương pháp gia truyền đã sử dụng điều trị cho người bệnh và được ghi chép quá trình chẩn đoán, thời gian điều trị, số lần tái khám và kết quả điều trị. Đã có ít nhất 100 người được điều trị bằng phương pháp chữa bệnh gia truyền. Trường hợp không có đủ danh sách 100 người bệnh thì phải làm thí điểm lâm sàng trên người bệnh để đánh giá tính an toàn, hiệu quả của phương pháp chữa bệnh.
- Phương pháp chữa bệnh gia truyền phải có các bước thực hiện cụ thể và cách xử trí tai biến xảy ra.
- Kỹ thuật, thủ thuật, phương pháp chữa bệnh có trong danh mục kỹ thuật đã được công bố thì không được công nhận là phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Dự thảo nêu rõ, người được cấp giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền phải có đủ sức khoẻ và năng lực hành vi dân sự; có văn bằng tốt nghiệp trung cấp y trở lên; được sở hữu hợp pháp phương pháp chữa bệnh gia truyền được gia đình, dòng tộc truyền lại; hiểu biết về các bước thực hiện quy trình kỹ thuật cụ thể để thực hiện trên người bệnh (Trường hợp có sử dụng thuốc kết hợp để điều trị thì cần hiểu biết thành phần, công dụng, cách bào chế, gia giảm bài thuốc để phù hợp với chứng bệnh hoặc bệnh đó).