Dịch COVID-19: WHO khuyến cáo chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch
TGĐ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 24/2 tuyên bố, thế giới cần nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) và cần phải chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch.
Phát biểu với phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus cho biết, tới nay, WHO vẫn chưa coi sự bùng phát dịch COVID-19, khiến hơn 2.600 người tử vong, là một đại dịch, song các quốc gia cần "nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch" mà không nên "sợ hãi". Theo WHO, dịch bệnh vẫn chưa vượt quá tầm kiểm soát trên toàn cầu hay gây ra số ca tử vong lớn, hiện còn "quá sớm" để nói về một đại dịch.
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn phát biểu của ông Ghebreyesus tại cuộc họp báo cho biết WHO quan ngại sâu sắc về sự gia tăng đột ngột số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italy, Iran và Hàn Quốc.
Tổng giám đốc WHO cho biết hiện có 2.074 trường hợp nhiễm COVID-19 tại 28 quốc gia (không bao gồm Trung Quốc) và ghi nhận 23 trường hợp tử vong. Theo đó, WHO khuyến cáo mỗi quốc gia phải tự đánh giá tình hình theo bối cảnh của từng nước, và WHO cũng sẽ làm như vậy thông qua việc giám sát 24/24. ông nhấn mạnh cần thống nhất kiềm chế dịch bệnh.
Cùng ngày, WHO cũng cảnh báo chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể "hoành hành" thêm nhiều tháng song các biện pháp mà Trung Quốc thực hiện đã ngăn hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh.
Ông Bruce Aylward, người đứng đầu nhóm chuyên gia của WHO và Trung Quốc, cho biết thế giới có thể học hỏi cách tiếp cận của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Phát biểu tại một cuộc họp báo trình bày về những phát hiện của phái bộ WHO-Trung Quốc, ông Aylward nêu rõ: "Bài học lớn nhất duy nhất là tốc độ. Tốc độ là tất cả và điều làm tôi lo ngại nhất đó là liệu phần còn lại của thế giới đã học được bài học về tốc độ chưa? Hiện nay, chúng ta đã chứng kiến sự bùng phát dịch ở nhiều nước, gia tăng theo cấp số nhân". Chuyên gia WHO cho hay "cách tiếp cận táo bạo" của Bắc Kinh đã "làm thay đổi diễn biến" dịch bệnh, khi mà các biện pháp hầu như đã ngăn ngừa được hàng trăm nghìn ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc.
Trung Quốc đã cách ly thành phố Vũ Hán cũng như các thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc được một tháng, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế mạnh mẽ về đi lại tại những tỉnh thành khác trên cả nước. Dịch COVID-19 đã làm gần 2.600 người tử vong và khoảng 77.000 người nhiễm bệnh tại Trung Quốc. Trong khi các ca nhiễm mới và tử vong đang gia tăng trong những ngày gần đây tại châu Âu, Trung Đông và châu Á thì số ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc nhìn chung đang giảm trong những tuần gần đây. Chuyên gia Aylward nói rằng, mặc dù "đôi khi có những hoài nghi về số liệu thống kê mà Trung Quốc đưa ra", song ông tin tưởng "phương hướng đã khá rõ ràng".
Ông Aylward kêu gọi Trung Quốc bắt đầu dỡ bỏ một số hạn chế, bao gồm biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa du lịch. Ông khẳng định: "Rõ ràng họ muốn đưa xã hội trở lại một diện mạo bình thường hơn, có thể là một kiểu bình thường mới, do virus này có thể hoành hành... thêm nhiều tháng".
Ngày 24/2, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo có 14 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 tại nước này, ngoài 39 trường hợp nằm trong số những người được đưa về nước từ du thuyền Diamond Princess và thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
Hôm 21/2, CDC ghi nhận 13 trường hợp trong nước và 21 ca trong số những người Mỹ được đưa về nước nhiễm COVID-19. Các quan chức y tế Mỹ đã cảnh báo số ca nhiễm trong những công dân hồi hương có khả năng sẽ gia tăng.
Hải Linh - Ngọc Thúy