Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 19/08/2020 08:57 (GMT+7)

Gọi điện quảng cáo sau 17 giờ bị phạt đến 30 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP về việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác ngày 14/8/2020. Theo đó, người quảng cáo chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người sử dụng. Nếu vi phạm quy định này, người quảng cáo có thể bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng.

Ảnh minh họa.

Điều 13 Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo, cụ thể:

– Không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này hoặc Người sử dụng không đồng ý nhận quảng cáo trước đó.

– Đối với quảng cáo qua tin nhắn và đối với số điện thoại ngoài Danh sách không quảng cáo, Người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết việc gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo.

– Trường hợp Người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời sau khi nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên, Người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nào đến số điện thoại đó.

– Phải chấm dứt việc gửi đến Người sử dụng nhận các tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo hoặc thực hiện gọi điện thoại quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của Người sử dụng.

– Mỗi Người quảng cáo không được phép gửi quá 03 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại, 03 thư điện tử quảng cáo tới một địa chỉ thư điện tử, 01 cuộc gọi điện thoại quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng.

– Chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng.

– Nội dung quảng cáo phải phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo.

– Chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo khi đã được cấp tên định danh và không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo.

Xử phạt vi phạm hành chính

Điều 32 Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định bổ sung điểm c, d, đ Khoản 2; điểm p, q, r, s Khoản 4; điểm e, g Khoản 6, khoản 7a, điểm c Khoản 10 Điều 94 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Cụ thể, vi phạm quy định liên quan tới thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng;

– Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo;

– Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Thực hiện quá 01 cuộc gọi quảng cáo tới 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng;

– Gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng;

– Không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo;

– Không cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

– Gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi số điện thoại do thực hiện hành vi vi phạm quy định.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2020.

Cùng chuyên mục

Không tái ký hợp đồng lao động, công ty phải báo trước bao nhiêu ngày?
Theo quy định của pháp luật, công ty phải thông báo trước bao lâu về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động được biết? Trường hợp, mai hết hạn hợp đồng lao động nhưng nay công ty mới thông báo cho người lao động về việc không ký tiếp hợp đồng thì có được hay không?
Người đi bộ vi phạm giao thông sẽ bị xử lý thế nào?
Khi lái xe trên đường cao tốc, tôi thấy nhiều người đi bộ bắt xe, đi bộ tập thể dục trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc, hành vi này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Bộ Công an cho hỏi, nếu người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử lý như thế nào?
Xác định tài sản riêng của vợ chồng thế nào?
Theo quy định hiện nay, muốn chứng minh tài sản riêng của vợ chồng cần dựa trên những căn cứ nào? Tài sản riêng của tôi là căn hộ vợ/chồng tôi đang ở thì tôi có được bán để xử lý việc cá nhân hay không?
Điều kiện để di chúc có hiệu lực
Di chúc là giấy tờ hợp pháp thể hiện nguyện vọng, mong muốn của một người về cách phân chia tài sản của người đó có được sau khi chết. Tuy nhiên, trong thực tiễn có không ít trường hợp người lập di chúc do thiếu hiểu biết pháp luật khiến di chúc được lập không hợp pháp dẫn tới tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn giữa những người thừa kế, gây mất tình cảm, đoàn kết.

Tin mới