Kiên Giang: Kiến tạo mỗi chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới là một điểm sáng vùng biên
Dọc tuyến biên giới Hà Tiên, ngoài nhiệm vụ chính là phòng, chống dịch COVID-19, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu… thì tăng gia, lao động, sản xuất cũng là một nhiệm vụ quan trọng không kém.
Tiếp chúng tôi tại chốt liên ngành chống dịch số 33 (chốt Hậu cần). Chốt này biên chế 7 đồng chí, được tuyển chọn hội tụ các điều kiện chuyên môn, nghề tay trái như: Quân y, anh nuôi, tiếp phẩm, biết trồng rau, chăn nuôi, cất nhà và sửa chữa lặt vặt các vật dụng trong gia đình. Thấy chúng tôi quan tâm đến vườn rau, đàn gà vịt, Thượng úy Lương Văn Tha, Tổ trưởng tổ Cảnh sát cơ động, chốt số 33 chia sẻ, chúng tôi đã xác định rồi, không phải vì chống dịch khó khăn, vất vả mà sao lãng những công việc khác. Hàng ngày chúng tôi có phân công rất rõ ràng, chặt chẽ, đồng chí nào trực là trực, ai lo bếp núc thì lo, còn lại phải tập trung vào công tác nuôi, trồng cải thiện đời sống và nhất là làm cho nơi ăn, ở ngày càng sạch, đẹp…
Theo chân Thượng úy Hồ Đông Hồ đi một vòng tham quan dọc đường biên từ chốt số 27 đến chốt 36 - Biên giới Hà Tiên. Hiện tại ở trước và sau các chốt đều có một vườn rau, có một khu chăn nuôi gà, vịt lớn, nhỏ tùy vào vị trí đóng quân. Ngoài các chốt cố định đã được xây cất chắc chắn, đơn vị tiếp tục đầu tư cất thêm hơn 10 điểm gác phụ. Theo Thượng úy Hồ Đông Hồ, việc cất thêm các điểm gác này rất cần thiết và hiệu quả. Nếu như trước đây, khi nắng nóng, anh em phải vạt vào các tàn cây trú tránh, đêm mưa thì rút về chốt, bỏ trống một phần địa bàn, ảnh hưởng tầm quan sát. Có điểm gác phụ, vừa đan dầy thêm vị trí gác, lại có nơi cho 2-3 đồng chí ngồi trú nắng, tránh mưa, rút ngắn khoảng cách giữa các chốt, vừa đảm bảo vị trí trực 24/24 giờ. Các chốt phụ này được cất bằng cây lá, nên rất thông thoáng, dễ quan sát vùng biên, do các đồng chí giỏi việc cất nhà đảm nhiệm. Các anh cất rất vuông vắn, cắt tỉa gọn gàng, thẳng thớm đẹp mắt. Chỉ mới hình thành chưa đầy 15 ngày, mà chung quanh các điểm gác phụ cũng đã được căng dây, lưới rào, trồng khá nhiều cây cảnh, cây thuốc nam và rau, củ, quả. Thoạt nhìn giống như các nhà phục dựng cho du khách chụp ảnh có thu phí ở các khu du lịch thành phố lớn.
Trải dài dọc ven đường, các giàn bầu, mướp, bí đang cho ra hoa, cho quả, phủ kín các hàng rào, bụi rậm. Thấy chúng tôi tắm tắt khen về thành quả lao động của tập thể cán bộ, chiến sĩ các lực lượng, đồng chí Trần Văn Chất, 18 tuổi, Dân quân tự vệ huyện An Minh tăng cường chống dịch tuyến biên giới Hà Tiên người lấm lem bùn đất hồ hởi cho biết, đất ở đây không có được màu mỡ như ở dưới quê em, mùa khô cây cỏ, năng còn chết rụi. Nước dưới đìa nhiễm phèn nặng, trong vắt thấy đáy luôn. Muốn trồng được một liếp rau, hay một giàn bầu, tụi em phải đi vào trong dân, xin đất nạc, trích kinh phí mua phân bò, đào sâu bỏ lớp đất phèn, cho phân, rơm mục vào mới trồng được. Quá trình chăm sóc hàng ngày rất vất vả, phải thường xuyên che nắng, tưới nước, bón thêm phân hữu cơ, cây mới phát triển.
“Chúng tôi quyết tâm kiến tạo mỗi một chốt phòng, chống dịch COVID-19 là một điểm sáng vùng biên…” - đó là lời khẳng định của Thượng úy Hồ Đông Hồ, phó Trạm trưởng trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, kiêm Tổ trưởng tổ chống dịch số 03 Bến Xuồng - tuyến biên giới Hà Tiên. Dọc tuyến biên giới Hà Tiên, ngoài nhiệm vụ chính là phòng, chống dịch COVID-19, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu… thì tăng gia, lao động, sản xuất cũng là một nhiệm vụ quan trọng không kém. Và với sức mạnh tổng hợp, liên hoàn, tình đoàn kết thống nhất rất cao của các lực lượng vũ trang như Biên phòng, Công an, Quân sự, Dân quân… trên tuyến biên giới, chúng ta hoàn toàn tin tưởng lời nói của Thượng úy Hồ Đông Hồ là hoàn toàn có cơ sở.
Đầu tháng 7/2021 vừa qua, tổ công tác số 03 Bến Xuồng đã huy động tổng lực, đào hố, bón phân, trồng được hơn 50 gốc đu đủ. Theo Thượng úy Hồ Đông Hồ, do mới trồng lần đầu, chưa có kinh nghiệm, với thổ nhưỡng ở đây không phù hợp, trâu, bò bà con quanh đây phá nên chết nhiều. Anh em đang ươm lại, trồng khi nào sống, cho quả mới thôi. Dự kiến từ nay đến hết tháng 8 phải trồng được ít nhất là 200 gốc đu đủ dọc biên giới này. Chúng tôi ghé vào dừng chân, nghỉ mát tại một chốt gác phụ sát đường biên, thuộc chốt số 34, do Đại úy Trần Văn Luân, vừa tăng cường từ Biên phòng tỉnh Bình Định vào làm Chốt trưởng. Mới hơn 3 giờ chiều, trời vẫn còn chang chang nắng, ngoài 2 đồng chí trực gác, còn lại 3 anh em đã bắt đầu cặm cụi làm vườn. Chốt gác phụ mới làm song hôm 15/7, nhưng với bàn tay của người nông dân quân hàm xanh, chung quanh chốt đã phủ một mảng màu xanh, chen lẫn màu nâu đen của đất vùng biên viễn. Chung quanh khu vườn, anh em chặt cây, tận dụng lưới củ làm hàng rào cho dây leo thật quá duyên. Nếu như ai mới đến đây mà không tranh thủ lấy máy ảnh, điện thoại ra “tự xướng” một cái thì thật là tiếc.
Có khách đến nhà, Đại úy Trần Văn Luân lấy vạt áo quệt vội những giọt mồ hôi chảy dài trên gương mặt sạm đen, hồ hởi đưa chúng tôi vào chốt kéo ghế mời ngồi. Anh đưa chúng tôi chai nước suối rồi khoe, tôi vừa vào được ít hôm. Ở ngoài ấy không biết nhiều về cuộc sống, nhiệm vụ chống dịch của anh em trong này. Vào đến đây, tận mắt được thấy một hệ thống chốt liên hoàn, dầy đặc, có đủ các lực lượng vũ trang tham gia chống dịch COVID-19. Đúng là một tấm phên dậu vững chắc, kiểu này thì khó có thể các đối tượng lén lút qua lại cho được.
Trong câu chuyện chúng tôi còn biết thêm, Đại úy Trần Văn Luân, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Nhà anh bao đời làm nông, trồng trọt, chăn nuôi, nên việc hoa màu cải thiện đời sống là chuyện thường, đơn giản. Theo Đại úy Trần Văn Luân chia sẻ, là Bộ đội, đi đến đâu, bận đến mấy vẫn phải tranh thủ tăng gia, lao động. Vừa nâng cao sức khỏe, tạo niềm vui cho chính mình, vừa có nguồn rau củ, quả sạch phục vụ ăn uống của mình và đồng đội.
Biên giới Hà Tiên về chiều gió mạnh, không một người dân lui tới vì chấp hành các quy định giãn cách xã hội, đi lại trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng đường biên hôm nay không còn lặng lẽ chơ vơ như trước, mà đông đúc Bộ đội và Công an. Gần 5 giờ chiều, các lực lượng trên chốt ra vườn tăng gia. Mỗi người một việc, nhóm thì đào đất, người làm giàn, anh bón phân, còn người thì cho gà, vịt ăn... Tận mắt nhìn những hình ảnh này, ta không khỏi tự hào, thấm thía với câu nói “Quân đội ta là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Họ thật sự là lá chắn thép ngăn dịch bệnh COVID-19 bảo vệ đồng bào phía sau đường biên. Ngoài ra, họ còn từng ngày âm thầm biến vùng biên giới khô cằn, phèn mặn này chuyển mình trở thành một vùng biên xanh, giàu và đẹp.