Nghệ An: Chủ tịch xã ký thủ tục thừa kế và đất đai với nhiều dấu hiệu sai sót?
Không hiểu vì lý do gì, Chủ tịch UBND xã Khai Sơn (Nghệ An) cùng công chức địa chính đã thực hiện các thủ tục về chia di sản thừa kế lẫn thủ tục đất đai một cách thần tốc và có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng?
Xác nhận Đơn đăng ký biến động đất đai trước khi hết thời hạn, hết niêm yết công khai tới 05 ngày
Không hiểu tại sao trong khi gia đình bà Nguyễn Thị Hồng đang trong lúc tang gia bối rối, chồng bà Hồng vừa mới mất (ông Nguyễn Hữu Đ. sinh năm 1972, mất lúc 05h ngày 18/8/2018, thường trú tại thôn 6, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn – theo trích lục khai tử số 28/TLKT-BS ngày 23/8/2018 của UBND xã Khai Sơn) nhưng UBND xã lại vội vã làm các thủ tục phân chia di sản của người mới khuất của gia đình bà Hồng ngay trong ngày 20/8/2018.
Ngày 19/8/2018, tức là chỉ 01 ngày sau khi chồng mất, không biết vì sức ép hay thỏa thuận nào mà bà Hồng đã ký Đơn Đăng ký biến động đất đai, đăng ký thay đổi người sử dụng đất từ vợ chồng bà Hồng sang tên bà Hồng với lý do nhận thừa kế trên thửa đất tại thôn 6 xã Khai Sơn, thửa số 119 trên tờ bản đồ số 6 với diện tích 138m2 có số GCN 3449/QĐ-UBND số GCN 086461 cấp ngày 02/11/2011. Gia đình có người mất, lòng dạ ngổn ngang, khó ai có thể nghĩ đến những việc như vậy mà phải xếp lại để sau khi hoàn thành việc tang chế rồi mới giải quyết. Khó mà nói không có một sức ép nào đó để người trong gia đình phải làm như vậy.
Ngày tiếp theo 20/8/2019, UBND xã Khai Sơn đã ra Thông báo số 45A/TB-UBND về việc phân chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Hữu Đ. và thời gian niêm yết thông báo là 15 ngày, kể từ ngày 20/8/2018 đến ngày 04/9/2018. Tuy nhiên, ngày 29/8/2018, khi mới niêm yết được 10 ngày, Chủ tịch UBND xã Khai Sơn đã ký xác nhận Đơn Đăng ký biến động đất đai do bà Hồng đứng tên trong đơn.
Nội dung xác nhận là: “Thửa đất biến động, bà Hồng nhận thừa kế của ông Đ. thửa đất ở”. Khi chưa hết thời hạn niêm yết, chưa lập được Biên bản kết thúc niêm yết công khai, chưa biết kết quả niêm yết, chưa chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, vậy dựa vào cơ sở pháp lý nào để bà Chủ tịch xã Nguyễn Thị Ngọc Ánh và công chức địa chính Hoàng Đình Sen có thể xác nhận như vậy?
Theo hồ sơ điều tra mà chúng tôi có được, ngày ghi trên Biên bản kết thúc niêm yết công khai là 04/9/2018, ngày chứng thực Văn bản thỏa thuận phân chia di sản là 06/9/2018. Điều đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chủ tịch UBND xã Khai Sơn là người ký tất cả các văn bản: Thông báo về việc phân chia di sản, Biên bản niêm yết công khai, Biên bản Kết thúc niêm yết công khai, Văn bản thỏa thuận phân chia di sản, Đơn Đăng ký biến động đất đai. Hơn nữa, các văn bản này được lập ra trong thời gian ngắn nên không thể xảy ra sự nhầm lẫn ở đây được.
Vậy động cơ của bà Chủ tịch xã Nguyễn Thị Ngọc Ánh và công chức địa chính Hoàng Đình Sen là gì, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ. Có hay không việc cán bộ cố ý làm trái, có dấu hiệu xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân?
Thông báo chia thừa kế trước xóa thế chấp ngân hàng 08 ngày
Ngày 23/8/2018, UBND xã Khai Sơn cấp bản sao Trích lục khai tử số 28/TLKT-BS. Tuy nhiên, trước đó ngày 20/8/2019, UBND xã Khai Sơn đã ra Thông báo số 45A/TB-UBND về việc phân chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Hữu Đ..
Trong Thông báo số 45A/TB-UBND nói trên có một số điểm bất thường. Đầu tiên là ngày mất của người để lại di sản bị để trống, ngày cấp Giấy chứng tử để trống, phần số hiệu văn bản cũng để trống, chỉ có phần chữ viết tắt là TLKT-BS. Dù chưa biết diễn biến, kết quả quá trình niêm yết nhưng bà Chủ tịch đã ký xác nhận Đơn đăng ký biến động trước khi kết thúc niêm yết, nên với việc để trống ngày tháng năm mất, ngày tháng năm trích lục khai tử, để trống số hiệu văn bản như vậy thì phải đặt câu hỏi liệu có xảy ra việc Thông báo phân chia di sản khi chưa hoàn thành việc khai tử hay không?
Ngoài ra, theo Luật Hộ tịch 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016), loại văn bản hộ tịch là Giấy khai tử đã được thay thế bằng Trích lục khai tử (Quy định tại Khoản 2, Điều 34, Luật Hộ tịch 2014 và được xác nhận rõ tại Phụ lục 03 kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP). Có lẽ đây là sự nhầm lẫn do thói quen nhưng phần chữ của số hiệu văn bản ghi là TLKT-BS phù hợp với phần chữ của số hiệu văn bản trong biểu mẫu Trích lục khai tử kèm theo Thông tư 15/2015/TT-BTP. Vậy tại sao ngày tháng năm của bản sao Trích lục trong Thông báo nói trên lại bỏ trống ?
Điều 2, Luật Hộ tịch 2014 quy định “1.Hộ tịch là những sự kiện được quy định tại Điều 3 của Luật này, xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết. 2. Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư”.
Khai tử là một sự kiện pháp lý phải xác nhận vào Sổ hộ tịch như quy định tại Điều 3, Luật Hộ tịch 2014.
Theo Khoản 1, Điều 611, Bộ luật Dân sự 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Do đó, đây là thời điểm phát sinh quyền thừa kế của người được hưởng. Tuy nhiên, để có thể hưởng quyền thừa kế, về mặt thủ tục hành chính phải thực hiện thủ tục khai tử để xác định tình trạng nhân thân của cá nhân người chết như Điều 2, Luật Hộ tịch nói trên. Và từ đó mới có thể thực hiện các thủ tục hành chính khác tiếp theo. Thời điểm mở thừa kế (thời điểm một người chết) và thời điểm hoàn thành việc khai tử (và được cấp trích lục khai tử) là hai thời điểm hoàn toàn khác nhau.
Như vậy, nếu việc một người đã mất nhưng chưa được UBND xã có thẩm quyền xác nhận thì có đủ điều kiện để UBND xã đó thực hiện thủ tục niêm yết việc phân chia di sản thừa kế hay không? Sự bất thường, sai sót còn thể hiện trong biên bản niêm yết công khai lập ngày 20/8/2018.
Trong văn bản này, phía trên văn bản ghi người để lại di sản là ông Nguyễn Hữu Đ. nhưng ở giữa văn bản thì người để lại di sản là ông Phùng Bá Lịch. Vậy theo, văn bản này thì ai mới người là mất, là người để lại di sản? Lời chứng thực Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phản ánh người ký chứng thực đã không phân biệt được hoạt đông công chứng và hoạt động chứng thực. Trong lời chứng thực có những cụm từ như: “Tại thời điểm công chứng, các ông bà…”, “Sau khi niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận…”.
Tài liệu điều tra của chúng tôi có được thể hiện thửa đất tại thôn 6 xã Khai Sơn, thửa số 119 trên tờ bản đồ số 6 với diện tích 138m2 có số GCN 3449/QĐ-UBND số GCN 086461 cấp ngày 02/11/2011 thì thửa đất này đang được thế chấp tạiĐầu tư phát triển tây Nghệ An - Chi nhánh Anh Sơn theo Hợp đồng thế chấp 01/2017/10435417/HĐBĐ, số 547 ngày 07/11/2017 tại VP công chứng Tây Nghệ và được VPĐKQSD đất đóng dấu nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý ngày 08/11/2017 và được xóa thế chấp ngày 28/8/2018. Không rõ khi làm thủ tục chứng thực, niêm yết thông báo phân chia di sản, UBND xã có được Giấy chứng nhận để kiểm tra làm rõ yêu cầu của đương sự có căn cứ hay không và ngân hàng có biết hay không?
Trong Lời chứng văn bản phân chia di sản thừa kế, phần ngày tháng năm của niêm yết Thông báo nói trên cũng bị bỏ trống. Ngoài ra, việc những người chia di sản ký trước mặt cán bộ tư pháp xã mà không phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực có đúng pháp luật hay không?
Tại khoản 9, điều 2, Nghị định 23/2015/NĐ-CP đã xác định rõ khái niệm người thực hiện chứng thực: “9. “Người thực hiện chứng thực” là Trưởng phòng, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng; viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. Và tại khoản 3, Điều 36, Nghị định 23/2015/NĐ-CP về thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch đã quy định: “3. Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực”.
Quy định này là phù hợp, tại các tổ chức hành nghề công chứng, những vụ việc như thế này đều phải ký, lăn tay trước mặt công chứng viên.
Theo chúng tôi được biết, bà Hồng là người có nghĩa vụ trả tiền cho hai chủ hụi tại địa phương là Nguyễn Thị T và bà Nguyễn Thị Thu H (Giáo viên) theo một bản án đã có hiệu lực pháp luật tại thời điểm đó. Tài sản của bà Hồng nằm trong khối tài sản chung với chồng là ông Nguyễn Hữu Đ vừa mới mất. Do đó, để thực hiện nghĩa vụ của bà H thì bắt buộc phải xử lý tài sản của bà Hồng trong khối tài sản chung đó.
Liệu đây có phải là đầu mối dẫn đến những dấu hiệu bất thường, dấu hiệu trái pháp luật như đã nói ở trên của bà Chủ tịch xã Nguyễn Thị Ngọc Ánh và công chức địa chính Hoàng Đình Sen hay không? Đề nghị cơ quan chức năng làm rõ sự liên quan giữa cán bộ UBND xã với những chủ hụi cùng trên địa bàn trong vụ việc này và xử lý nghiêm minh.
Với những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng khi thực hiện các thủ tục hành chính như vậy, thiết nghĩ UBND huyện Anh Sơn cũng như cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cập nhật biến động sang tên bà Nguyễn Thị Hồng để đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp của các thủ tục hành chính được thực hiện, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tiếp theo.