Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 15/03/2020 09:31 (GMT+7)

Nghỉ cách ly Covid-19: Những quyền lợi người lao động nên biết

Cách ly do dịch bệnh là một sự kiện bất khả kháng, do đó người lao động không có lỗi.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát với tính chất và mức độ rất nguy hiểm trên toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp khẩn cấp tích cực nhằm đối phó với dịch bệnh, như triển khai các biện pháp cách ly y tế, kiểm soát chặt việc xuất nhập cảnh, xử lý các trường hợp vi phạm, tung tin đồn nhảm về dịch bệnh…

Việc cách ly y tế giúp kiểm soát được dịch bệnh lây lan.

Một trong những biện pháp được Chính phủ Việt Nam triển khai từ khi xuất hiện ca dương tính tại các khu dân cư, đó là tiến hành cách ly y tế bắt buộc. Theo đó, các trường hợp bị dương tính, có tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gián tiếp với người bị nhiễm bệnh đều được đưa vào diện cách ly theo dõi. Điều này nhằm kịp thời phát hiện các ca nhiễm bệnh và tránh lây lan trên diện rộng. Nhưng, những cá nhân bị cách ly tập trung hoặc kiểm soát cách ly tại nhà sẽ gặp bất tiện trong hoạt động, công việc thường ngày.

Một thực tế, có nhiều người đang trong thời gian giải quyết các công việc cá nhân (các quan hệ kinh tế, dân sự, giải quyết tranh chấp…) nhưng bị cách ly do trước đó có tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.

Theo Luật sư Nguyễn Duy Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Duy Trinh, Đoàn luật sư TP. HCM thì đây là một sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Bình, cách ly vì dịch bệnh là là một sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

“Việc xảy ra dịch bệnh là sự kiện khách quan, sự kiện bất khả kháng nên việc cách ly phòng chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tình huống bất khả kháng. Chính vì vậy, thiệt hại xảy ra do áp dụng biện pháp cách ly, phía áp dụng biện pháp cách ly không chịu trách nhiệm bồi thường”. Luật sư Bình nói.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng đây là trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên có những vấn đề hiện pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể hoặc các bộ, ban, ngành cũng chưa có công văn hướng dẫn.

Đối với trường hợp khi có người bị cách ly do tiếp xúc với người dương tính hoặc đang xác định dương tính mà công việc của họ bị ảnh hưởng thì trước mắt vẫn phải dựa trên tinh thần hỗ trợ nhau trong hoàn cảnh này. Việc cách ly là điều không ai muốn và tuy nói cách ly nhưng người dân vẫn có thể sử dụng các thiết bị điện tử thông thường như điện thoại, máy tính, wifi,… là những công cụ giúp trao đổi thông tin và người dân có thể làm việc online. Còn đối với những người đang vướng phải các vấn đề pháp lý liên quan đến dân sự và hình sự thì cách ly vẫn là việc bắt buộc phải thực hiện. Các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý có thể được dời lại thực hiện sau.

Đối với một số trường hợp bị cách ly, quyền lợi của họ bị ảnh hưởng một cách trực tiếp. Đơn cử như việc, một người đặt vé khứ hồi của các hãng máy bay, nhưng khi họ mới thực hiện việc bay chiều đi thì bị cách ly. Hết thời hạn cách ly thì chiều về của họ đã qua. Vậy, trường hợp nào giải quyết thế nào?

Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng việc mua vé máy bay khứ hồi và tiến hành bay là việc sử dụng dịch vụ hàng không dân dụng do hai bên thỏa thuận. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam không quy định cụ thể về một số các dịch vụ liên quan đến dịch vụ bay. Việc mua vé máy bay, quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi mua từng loại vé sẽ do hai bên thỏa thuận. Nói cách khác là khách hàng và hãng hàng không họ lựa chọn sẽ có những thỏa thuận về việc có hoàn trả hay không trong trường hợp chỉ bay được 1 chiều của vé khứ hồi vì họ bị cách ly theo quy định.

“Tuy nhiên, trước tình trạng bị cách ly không nằm trong sự kiểm soát và dự liệu trước đó khi khách hàng mua vé, vì thế mà các hãng hàng không cũng cần xem xét, hỗ trợ cho khách hàng của mình khi họ không may phải tiến hành cách ly”. Luật sư Tùng nêu quan điểm.

Hiện nay vẫn chưa có quy định hoàn bồi tiền vé do bị cách ly y tế vì dịch bệnh.

Luật sư Hà cũng cho rằng, hiện Nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể trong vấn đề này. Nếu hãng bay chấp nhận lý do này thì khách hàng có thể được hoàn tiền chiều về 100% hoặc 1 khoản tiền nhất định, Nhà nước cũng không thể bắt buộc các hãng bay phải có cơ chế hoàn tiền cho khách hàng khi chính các doanh nghiệp này cũng đang gặp khủng hoảng tài chính trong mùa dịch.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.

Nhiều trường hợp người lao động đang làm việc bình thường nhưng bị cách ly, theo Luật sư Bình trong tình huống này người lao động không có lỗi.

Căn cứ khoản 2, Điều 130, Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ), người lao động ngừng thực hiện công việc theo hợp đồng lao động do bị cách ly dịch bệnh, nếu gây thiệt hại thì không phải bồi thường.

Cũng theo khoản 3, Điều 98, Bộ luật Lao động, người lao động ngừng việc trong trường hợp trên vẫn được trả lương nhưng khoản lương ngừng việc trong trường hợp này do hai bên thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Đối với người sử dụng lao động, căn cứ khoản 2, Điều 12, Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung Bộ luật Lao động 2012 thì dịch bệnh được xem như một trường hợp bất khả kháng và người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 38, Bộ luật Lao động.

Theo đó, người sử dụng lao động được quyền chấm dứt hợp đồng lao động nếu do bất khả kháng  mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, 30 ngày làm việc với hợp đồng xác định thời hạn, 03 ngày làm việc đối với trường hợp hợp đồng lao động mùa vụ hoặc trường hợp theo điểm b, khoản 1, Điều 38, Bộ luật Lao động. Người lao động được chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 1, Điều 48, Bộ Luật này.

Người lao động không có lỗi khi tạm nghỉ việc vì phải cách ly y tế.

Luật sư Hà cho biết thêm, thời gian cách ly đối với những người lao động chưa nghỉ hết ngày phép thì ngày bị cách ly sẽ tính vào thời gian nghỉ phép. Đối với những người lao động đã hết ngày phép doanh nghiệp sẽ làm hồ sơ để xin hưởng chế độ bảo hiểm xã hội do nghỉ ốm.

Tuy nhiên, trên thực tế, bảo hiểm xã hội vẫn đang loay hoay chưa biết hướng giải quyết đối với trường hợp này như thế nào. Vì thông thường, đối với trường hợp nghỉ ốm để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là phải có kết luận của bác sỹ, phát hiện ra bệnh. Trường hợp này không phát bệnh nên bảo hiểm xã hội chưa có cơ sở để giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động.

Đối với trường hợp cá nhân người lao động bị cách ly và sau đó phát hiện người lao động bị nhiễm virus corona thì giải quyết theo chế độ bảo hiểm xã hội dành cho nghỉ ốm.

Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa.

Về hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiễm xã hội và các văn bản pháp luật có quy định, cụ thể:

Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng:

– Tối đa 30 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;

– Tối đa 40 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

– Tối đa 60 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

Với ngành nghề nặng nhọc, độc hại được thêm 10 ngày/năm so với điều kiện bình thường.

Theo Luật sư Tùng, hiện nay pháp luật về lao động chưa có quy định nào đối với trường hợp người lao động bị cách ly vì nghi nhiễm bệnh do đại dịch. Rõ ràng, đối với người lao động bị cách ly, họ không biết, lung túng khi mình xin nghỉ làm với lý do gì vì hoàn toàn không có quy định, hướng dẫn cụ thể nào. Ngược lại, thì người sử dụng lao động cũng chưa biết xử sự như thế nào.

“Trường hợp này phụ thuộc nhiều vào thỏa thuận giữa hai bên, nhưng liệu trong mối quan hệ này thì có bình đẳng hay thiệt thòi cho người lao động?. Khi mà mỗi một nơi, một đơn vị, một doanh nghiệp sẽ áp dụng khác nhau”. Luật sư Tùng chia sẻ.

Căn cứ khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015: 

“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Căn cứ khoản 2, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, như sau:

“ 2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

https://lsvn.vn/nghi-cach-ly-covid-19-nhung-quyen-loi-nguoi-lao-dong-nen-biet.html

Cùng chuyên mục

Gia hạn sử dụng đất đối với các trường hợp đã hết thời hạn sử dụng đất trước ngày 01/8/2024
Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có quy định xử lý đối với các trường hợp tổ chức sử dụng đất đã hết thời hạn sử dụng đất trước ngày 01/8/2024. Vậy, pháp luật quy định như thế nào đối với các trường hợp tổ chức sử dụng đất đã hết hạn sử dụng đất mà Nhà nước chưa thu hồi đất?
Quyên góp từ thiện theo quy định pháp luật hiện hành
Theo quy định hiện hành, cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Sai sót trong kỳ thi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Theo Luật sư, đối với những sai phạm trong kỳ thi vào lớp 10 tại tỉnh Thái Bình, nếu là lỗi cố ý thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự với người vi phạm, nếu chỉ là lỗi vô ý thì tiến hành xử lý kỷ luật để kịp thời khắc phục, sửa chữa, tránh những sai phạm tương tự có thể xảy ra.

Tin mới

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân trước thủ đoạn mạo danh Giám đốc Apple để lừa đảo
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những lời mời gọi đầu tư hứa hẹn đem về lợi nhuận cao, rủi ro thấp; chủ động xác minh tính hợp pháp của các dự án đầu tư tiền điện tử, không cả tin và làm theo hướng dẫn của các đối tượng.
Công Phượng chia tay Yokohama FC trở về Việt Nam
Trang chủ Yokohama FC xác nhận tiền đạo Nguyễn Công Phượng sẽ chia tay đội bóng này sau trận đấu ở vòng 31 J2 League. Trở về Việt Nam, Công Phượng sẽ khoác áo đội bóng Thanh Niên TPHCM của giải hạng Nhất.
Ông Trump bị ám sát hụt lần hai
Nhà chức trách Mỹ cho biết cựu Tổng thống Donald Trump vẫn an toàn sau vụ nổ súng dường như là một âm mưu ám sát, nhằm vào nơi ông đang chơi golf vào khoảng 14h (giờ địa phương).