Nguyên Bình (Cao Bằng): Đình chỉ việc giải quyết khiếu nại là trái luật
Suốt hơn 20 năm qua, hết đời bố, đời mẹ rồi bây giờ đến đời con là bà Bành Thị Phịn, dân tộc Nùng trú tại thị trấn Nguyên Bình (Cao Bằng) đã 74 tuổi vẫn tiếp tục khiếu nại đòi quyền sử dụng đối với hàng ngàn mét vuông đất của gia đình.
Hàng nghìn mét vuông đất này đã bị Chính quyền huyện Nguyên Bình thu hồi để xây dựng Chợ trung tâm trái pháp luật.
Thật hết sức “nghiệt ngã và cay đắng” - bà Hoàng Thị Trường, người đại diện cho bà Bành Thị Phịn đã thốt ra khi gặp các Nhà báo: "Chính quyền họ hành chúng tôi quá, không biết bao nhiêu lần họ gọi chúng tôi đến yêu cầu cung cấp thông tin, cung cấp tài liệu… và tìm mọi cách khất lần, khất lượt chưa giải quyết được vì cần có thời gian tìm hiểu xác minh. Chả lẽ phải mất hàng chục năm để rồi gia đình tôi nhận lấy cái Quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình - Nông Quốc Hùng ký và ban hành như thế này sao?
Rõ ràng, đây là việc vi phạm Luật khiếu nại, thiếu trách nhiệm trước dân. Ông Hùng lấy lý do “Hai đơn khiếu nại của bà Bành Thị Phịn không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật khiếu nại 2011, Luật Đất đai 2013. Nội dung đơn của bà Bành Thị Phị thuộc đơn kiến nghị”.
Tôi không hiểu tại sao là một Chủ tịch UBND huyện mà ông Nông Quốc Hùng lại không biết các quy định của pháp luật; Ông Hùng có biết đọc con chữ không mà trả lời đơn của tôi như vậy; Đơn của tôi là đơn khiếu nại chứ không phải đơn kiến nghị để ông Chủ tịch UBND huyện có thể áp đặt được ý chí của mình. Cho dù tôi là người dân biết ít con chữ, hiểu ít nghĩa từ, nhưng tôi luôn tuân thủ pháp luật và tôn trọng Hiến pháp, pháp luật nhà nước ta”.
Có thể hiểu được những bức xúc của bà Hoàng Thị Trường vì bà biết rõ Luật Khiếu nại 2011 quy định: Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời.
Còn Luật Đất đai 2013 đã giải thích: Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai; Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất. Đồng thời, Luật Đất đai cũng nghiêm cấm những hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
Nhưng ở đây, gia đình bà Bành Thị Phịn đã bị UBND huyện Nguyên Bình thu hồi đất sai quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất cũng như vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của gia đình bà. Đã vậy, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình còn ban hành Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 11/10/2019 đình chỉ giải quyết khiếu nại - Đây là hành vi gây cản trở và phiền hà cho việc Khiếu nại của người dân được quy định tại Điều 6, Luật Khiếu nại 2011 về Các hành vi bị nghiêm cấm:
1- Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe dọa, trả thù, trù dập người khiếu nại;
2- Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.
Cụ thể đối với Đất mượn làm trạm biến thế trước đây, là đất của gia đình bà Phịn đã mua của ông Hà Hữu Mộc từ năm 1953 (có giấy tờ mua bán) và sử dụng đúng mục đích để trồng màu liên tục không ngắt quãng, luôn hoàn thành mọi nghĩa vụ trong một thời gian dài. Đến năm 1964, Công ty điện lực Tà Sa mượn đất của gia đình bà Phịn để xây bốt điện và trạm điều hành phát điện. Chấp hành chủ trương của Nhà nước gia đình bà Phịn cho mượn, gần đây (khoảng tháng 09/2016) gia đình bà mới được biết phía Công ty điện lực đã trả lại phần đất đó cho huyện Nguyên Bình. Bà Phịn đã đến UBND huyện yêu cầu trả lại thửa đất, vì đây là thửa đất gia đình bà mua có nguồn gốc rõ ràng và không có quyết định thu hồi đất. Quá trình làm đơn đòi lại đất, Bà Phịn lại được biết UBND huyện Nguyên Bình đã cấp Giấy CNQSDĐ cho ông Bàn Ngọc Tình một phần thửa đất với diện tích 50m2.
Việc làm này là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của gia đình bà Phịn được Hiến pháp và Pháp luật bảo vệ. Nếu nói rằng thửa đất đó bị thu hồi thì đề nghị Chính quyền phải đưa ra được Quyết định thu hồi đất cho gia đình bà Phịn.
Còn không, theo quy định của pháp luật, Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai; Quyết định trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản; trường hợp khẩn cấp không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền được quyết định trưng dụng đất bằng lời nói nhưng phải viết giấy xác nhận việc quyết định trưng dụng đất ngay tại thời điểm trưng dụng. Quyết định trưng dụng đất có hiệu lực thi hành kể từ thời điểm ban hành. Chậm nhất là 48 giờ, kể từ thời điểm quyết định trưng dụng đất bằng lời nói, cơ quan của người đã quyết định trưng dụng đất bằng lời nói có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng đất và gửi cho người có đất trưng dụng.
Luật Trưng mua, Trưng dụng tài sản 2008 quy định rất rõ về chính sách trưng mua, trưng dụng tài sản: Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp về tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư; Người có tài sản trưng mua được thanh toán tiền trưng mua tài sản; người có tài sản trưng dụng bị thiệt hại về tài sản do việc trưng dụng gây ra thì được bồi thường thiệt hại theo giá thị trường.
Vậy tại sao gia đình bà Phịn không được thanh toán bất cứ khoản tiền nào cũng như không được đền bù hay hỗ trợ bằng đất hay tài sản gì khác khi bị thu hồi đất hay trưng mua hoặc trưng dụng đất như đã nêu ở trên? Khu đất trạm biến thế của gia đình bà Phịn bị lấy đất theo hình thức nào?
Thực tế cho thấy, thời điểm Điện lực Tà Sa mượn đất nhà bà Phịn để làm và không trả cho gia đình bà bất cứ cái gì hay bằng hình thức bù đắp nào cho việc cho mượn đất. Theo quy định mượn đất thì phải trả đất khi không có nhu cầu sử dụng và Điện lực Tà Sa đã trả lại đất. Nhưng UBND huyện Nguyên Bình không trả lại cho gia đình bà Phịn mà lại tự ý thu hồi trái pháp luật khi không có quyết định thu hồi đất, không thực hiện bồi thường về đất theo đúng quy định của pháp luật. Đã thế, còn ngang nhiên cắt ra một phần thửa đất này bán cho người khác, việc làm đó đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình bà Phịn được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ.
Đối với đất bị thu hồi làm chợ Nguyên Bình, là đất của ông Hoàng Hỏa Sáng và bà Dìu Thị Sẻn (bố mẹ chồng của bà Bành Thị Phịn) mua từ năm 1953 hiện vẫn còn lưu giấy chuyển nhượng QSDĐ bằng chữ Quốc ngữ có đóng dấu của cơ quan hành chính thời kỳ 1953 (làm căn cứ). Đến năm 1993, UBND huyện Nguyên Bình đã lấy đất của gia đình bà Phịn để xây dựng chợ Nguyên Bình. Quá trình thu hồi đất không có quyết định thu hồi đất, không được đền bù và bồi thường quyền sử dụng đất cũng như tài sản trên đất. Trong khi đất này thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Phịn và trên đất có tài sản là một căn nhà được xây dựng làm quán bán hàng từ năm 1981 và còn có một móng nhà được xây bằng đá hộc giằng sắt rộng 100m2.
Vì thế, gia đình bà Phịn đã làm đơn khiếu nại việc thu hồi đất nêu trên đến UBND huyện Nguyên Bình. Giải quyết khiếu nại này bà Nguyễn Thị Thục Bình - nguyên là Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình khi làm việc đã hứa hẹn sau khi xây xong chợ sẽ cho gia đình chị 1 - 2 lô để bán hàng… rồi không giải quyết. Đến các đời Chủ tịch kế nhiệm sau đó tiếp tục im lặng, cố tình bỏ qua không giải quyết, khiến gia đình bà Bành Thị Phịn rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cùng quẫn trong suốt hơn 20 năm qua.
Đến nay gia đình bà Phịn vẫn đang tiếp tục khiếu nại những mong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục tình trạng chây ỳ, bao che cho những hành vi sai phạm. Vẫn biết rằng thẩm quyền giải quyết trước hết thuộc UBND huyện Nguyên Bình. Nhưng UBND huyện Nguyên Bình lại vô cảm, thiếu trách nhiệm thậm chí ban hành một quyết định trái luật để đình chỉ giải quyết khiếu nại của Bà Phịn thì thử hỏi người dân biết kêu ai?
Đã đến lúc UBND tỉnh Cao Bằng không thể đứng ngoài cuộc mà phải có trách nhiệm xem xét và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền của UBND huyện Nguyên Bình cũng như thị trấn Nguyên Bình đã làm sai quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của người dân. Đồng thời, căn cứ vào các quy định của pháp luật và những tài liệu chứng cứ về nguồn gốc đất để tiến hành thanh tra giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật, trả lại quyền lợi chính đáng cho gia đình bà Bành Thị Phịn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin kết quả giải quyết và xử lý của UBND tỉnh Cao Bằng đối với vụ việc này.