Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giải pháp căn cơ nhất vẫn là tiếp tục phòng, chung sống an toàn với dịch Covid-19
Tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 6/11, trả lời câu hỏi của một số đại biểu về Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói "bên ngoài đang sóng to gió lớn, cho nên bên trong phải bao chặt".
Theo đó, Phó Thủ tướng cho hay, chưa biết khi nào chấm dứt được dịch bệnh này và chúng ta phải chuẩn bị tinh thần ít nhất đến hết năm 2021.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, trên thế giới hiện có hơn 150 ứng viên nghiên cứu vaccine phòng Covid-19, trong đó Việt Nam có 4 cơ sở. Tuy nhiên, nhanh nhất cuối năm 2021, đầu 2022 Việt Nam mới sản xuất được vaccine; còn mua vaccine trên thị trường thế giới thì tương đối khó khăn, vì đây là vấn đề nóng toàn cầu.
Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh vaccine toàn cầu đã thành lập chương trình gồm 92 nước và vùng lãnh thổ tham gia, trong đó có Việt Nam, với tham vọng cung cấp vaccine giá rẻ, khoảng 2 USD một người, hi vọng cung cấp cho 20% số người trên thế giới. Tuy nhiên, chưa công ty nào cam kết bán vaccine cho liên minh này.
Phó Thủ tướng cho biết thêm, Việt Nam đang làm việc với các đối tác, trong đó có Trung Quốc và Nga về vaccine. Bộ Y tế đã có những bàn bạc cụ thể, nhưng việc mua vaccine sớm không hề dễ, vì nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn. Chính phủ muốn mua phải đặt cọc trước, rủi ro rất cao.
"Vì vậy giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các giải pháp phòng dịch và chung sống an toàn với dịch" ông nói và tha thiết đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương không chủ quan. Tất cả các cơ sở, từng người dân phải chủ động chống dịch"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên chất vấn.
Kết thúc phần trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh quan điểm như trên.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) về việc sử dụng tiền ngân sách, trong đó có tiền vay nước ngoài, để làm sách giáo khoa, nhưng tiêu không hết phải trả lại, Bộ trưởng Bộ GĐĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, Bộ đã trả lại 16,5 triệu USD dự chi để xây dựng sách giáo khoa do không sử dụng khoản này nữa, số tiền này vẫn để trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới (WB).
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng sách giáo khoa, theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Trong trường hợp không có bộ sách của các nhà xuất bản làm thì Bộ mới đứng ra làm sách giáo khoa.