Quảng Xương – Thanh Hóa: Cán bộ quan liêu, tắc trách, dân thống khổ
Nhiều năm liền, gia đình bà Mướt làm đơn đề nghị được cấp GCN QSDĐ nhưng UBND xã Quảng Hải không thụ lý giải quyết do một vài cán bộ chức năng chỉ "nghe thông tin một chiều" về việc đất này đang có tranh chấp.
Năm 1940 bà Viên Thị Mướt (thôn 9 xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), kết hôn với ông Lê Văn Môn và ở cùng bố mẹ chồng trên thửa đất số 101, tờ bản đồ số 04 đo vẽ tháng 9 năm 1985... thửa đất ghi trên bản đồ đứng tên ông Lê Văn Môn. Sau khi bố mẹ chồng qua đời, mảnh đất ấy tiếp tục gắn bó với vợ chồng ông bà, nếu như không có một vài biến cố:
Năm 1982, do đông con nhà ở chật hẹp nên vợ chồng bà phải đến ở nhà người con thứ ba là Lê Văn Ninh (vợ là Trần Thị Quế). Đến năm 1984 do hỏa hoạn nhà bà bị cháy chụi. Hoàn cảnh khó khăn, chưa có tiền xây cất nhà cửa, nên các con bà một lần nữa phải dọn đến ở cùng ông bà tại gia đình anh Lê Văn Ninh. Mặc dù chuyển đi nhưng gia đình bà đã nhờ ông Phạm Văn Truyền là con của ông Phạm Văn Út ở liền kề trông coi và cho ông Truyền mượn đất để trồng hoa màu (có văn bản thỏa thuận hai bên, những năm ông Truyền sử dụng đất đều có nộp thuế sử dụng đất cho UBND xã Quảng Hải). Trong quá trình sử dụng gia đình bà không chuyển nhượng trao tặng cho ai.
Ông Đoàn Công Ngẫm - Trưởng thôn 9 chủ trì hội nghị trưng cầu dân ý. |
Thế nhưng gia đình bà vẫn không được UBND xã Quảng Hải giải quyết với lý do đất đang có tranh chấp. Người tranh chấp là bà Đoàn Thị Ngần từng có thời gian là con dâu bà Mướt, bà Ngần cho rằng khi nhà cháy vào năm 1984 bà là người tiếp tục ở lại và quản lý, sử dụng. Tuy nhiên đây chỉ là thông tin do bà Ngần cung cấp không có tài liệu khả thi nào chứng minh đi kèm?
Việc đề nghị cấp GCN QSDĐ của bà Viên Thị Mướt tiếp tục gặp khó khăn khi một vài cán bộ chức năng chỉ "nghe thông tin một chiều" từ cán bộ thôn 9 xã Quảng Hải, mà vị cán bộ thôn 9 lại là em trai bà Đoàn Thị Ngần, đang có ý định "tranh chấp" đất của bà Mướt, dẫn đến: Ngày 18/7/2019 UBND huyện Quảng Xương có văn bản trả lời, bà Viên Thị Mướt không đủ điều kiện cấp giấy CN QSDĐ với lý do “Chủ sử dụng đất là HTX, một phần diện tích của thửa đất này từ năm 1982 đến nay bà không sử dụng”.
Tuy nhiên tại sổ mục kê ruộng đất 299 của xã Quảng Hải huyện Quảng Xương lập năm 1985 hiện đang được lưu giữ tại sở Tài Nguyên Môi Trường thửa đất 101 có diện tích 1568 m2 mang tên ông Lê Văn Môn - chồng bà Viên Thị Mướt, tức là nguồn gốc thửa đất này của ông Lê Văn Môn được pháp luật công nhận hợp pháp, không phải của HTX như trả lời của UBND huyện. Việc bà Viên Thị Mướt không sử dụng mảnh đất trên trong thời gian dài là không đúng với thực tế. Vì hộ ông Phạm Văn Truyền, người địa phương đã có văn bản xác nhận ông được bà Viên Thị Mướt nhờ trông coi, quản lý sử dụng trong thời gian bà không sinh sống tại đây. Sự việc này cũng được hàng chục hộ dân khác trong thôn xác nhận, làm chứng nhiều năm, nhưng lạ thay, Chính quyền xã Quảng Hải vẫn bỏ ngoài tai và từ chối việc làm thủ tục để cấp GCN QSD đất cho bà Mướt? Mặc dù, ông Lê Văn Môn là chủ sử dụng duy nhất của thửa đất 101 trên sổ mục kê ruộng đất là thực tế.
Tại buổi họp trưng cầu ý kiến nhân dân, ngày 03/01/2020, ông Bùi Ngọc Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cũng khẳng định: “Đối với sổ mục kê 299 ông Lê Văn Môn là người đứng tên trên lô đất này là hoàn toàn có thật. Đương nhiên bà Đoàn Thị Ngần gửi đơn tranh chấp là không có cơ sở pháp lý, là điều mà pháp luật không cho phép”.
Sở dĩ có cuộc họp trên, là vì, trước đó, gia đình bà Mướt đã không đồng tình với văn bản trả lời của UBND huyện Quảng Xương, do ông Phó Chủ tịch Nguyễn Đình Dự ký, nên bà tiếp tục làm đơn gửi lên ông Chủ tịch UBND huyện để được giải quyết. Và ông Trần Anh Chung, Chủ tịch huyện Quảng Xương đã thấu hiểu và có lý để yêu cầu phòng Thanh tra huyện trực tiếp thụ lý điều tra, xác minh và báo cáo lại Chủ tịch vụ việc kéo dài trên. Tránh tình trạng vì "lợi ích nhóm" cố tình gây khó dễ cho gia đình bà Viên Thị Mướt - mẹ liệt sỹ năm nay đã 97 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời.
Trước sự việc trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương lại giao trực tiếp cho xã Quảng Hải về tiếp tục họp dân để xác định rõ hai nội dung:
1. Nguồn gốc đất trên có phải là của gia đình bà Viên Thị Mướt không?
2. Nhân dân có đồng ý cấp GQSD đất cho bà Mướt không?
Ngày 03/01/2020, tại nhà văn hóa thôn 9 xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương một lần nữa tổ chức hội nghị trưng cầu dân ý nhằm xác minh hai nội dung cơ bản trên. Hội nghị có đầy đủ các thành phần, đại diện như: Ông Bùi Ngọc Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã; Ông Vũ Đình Chuyên – công chức địa chính xã; Ông Đoàn Công Ngẫm – trưởng thôn, chủ trì hội nghị; Ông Nguyễn Duy Lợi – Chi hội trưởng CCB thôn; Bà Phan Thị Mẵn – chi hội phụ nữ; Bà Trịnh Thị Xương – Chi hội người cao tuổi, cùng đông đảo bà con trong thôn.
Sau khi nghe ông Đoàn Công Ngẫm – Trưởng thôn thông qua nội dung, đại diện các đoàn thể, hộ dân trong thôn 100% đều xác nhận đất của gia đình bà Mướt là đất thổ cư có nguồn gốc từ 5 đời, yêu cầu chính quyền các cấp tuân thủ theo đúng pháp luật cấp GCN QSDĐ cho gia đình bà Viên Thị Mướt.
Rất tiếc, khi bà con phát biểu ý kiến với tinh thần thẳng thắn, khách quan, thì ông trưởng thôn – Đoàn Công Ngẫm – chủ trì hội nghị lại đứng lên "chặn họng" cố ý lái hội nghị sang hướng khác. Xác minh nguồn gốc đất của gia đình bà tại thửa số 165 tờ bản đồ số 8 đo đạc năm 1994. Việc ông Ngẫm "nhầm lẫn" níu kéo quyền lợi cho chị ruột của ông là bà Đoàn Thị Ngần, lấy lý do thửa đất đang tranh chấp để không làm thủ tục cấp GCN QSDĐ cho bà Mướt cũng là điều dễ hiểu. Trong khi bà Ngần không hề có giấy tờ pháp lý nào để chứng minh mình có quyền lợi hợp pháp, chính đáng trên mãnh đất này.
Với vai trò chủ tọa và cách điều hành thiếu công tâm, vụ lợi "đánh bùn sang ao" của ông Đoàn Công Ngẫm đã lập tức bị hầu hết các đại biểu cán bộ và nhân dân phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt. Dĩ nhiên ông Ngẫm là Trưởng thôn chỉ có vai trò tổ chức, triệu tập nhân dân thôn 9 về nhà Văn hóa dự họp là đúng, chứ không thể là người chủ trì hội nghị??? Ông Ngẫm càng "vụng chèo khéo chống" bao nhiêu thì nhân dân càng tỏ thái độ bất bình, phản ứng gay gắt bấy nhiêu...
Cũng cần phải nói thêm rằng hội nghị lần này huyện giao cho xã tiến hành là để xác minh nguồn gốc đất của gia đình bà Mướt ông Môn chứ không bàn đến thửa đất nào khác. Hiện nay tại sổ mục kê được lập vào ngày 20/9/1985 trong số các hộ của Quảng Hải thì có hộ của nhà ông Lê Văn Môn là chồng bà Viên Thị Mướt. Còn trong bản đồ 364 đo vẽ năm 1994 như ông Ngẫm đã nói thì không có tên ông Môn bà Mướt và nói toàn bộ khu đất khoảng 20.000 ha là đất rừng.
Trên thực tế kiểm tra đất đó không phải là đất rừng, nhưng ông Ngẫm viện dẫn là đất rừng. Vậy thử hỏi có ai là xã viên HTX năm 1994 tham gia trồng rừng không? Việc cán bộ đo đạc năm 1994 không tìm hiểu kỹ nguồn gốc đất mà chỉ nhìn vào hiện trạng mảnh đất đó không có nhà ở (vì nhà đã bị cháy như chúng tôi nói trên), rồi ghi vào bản đồ là đất trồng rừng do HTX quản lý là việc làm chủ quan, phiến diện, là "cưỡi ngựa xem hoa", xa rời thực tế, thiếu trách nhiệm của cán bộ xã, lẽ ra phải được chỉnh sữa và nhận lỗi trước dân.
Nhưng thay vì nhận lỗi, chính quyền địa phương vội vàng quy chụp như là đất "không có chủ", rồi tước đi quyền lợi hợp pháp chính đáng, gây nên bao cảnh khốn đốn lầm than cho mẹ liệt sỹ, phải chạy kêu cứu hết cửa này đến cửa khác hàng chục năm qua. Chung quy lại chỉ vì "lợi ích nhóm", chà đạp lên lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân. Mà người dân ở hoàn cảnh này lại là mẹ liệt sỹ ?
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích ý kiến của ông Viên Đình Lượng – công an viên thôn 9 phát biểu trong số hàng vài chục ý kiến phát biểu tương tự của nhân dân: “Ta phải khẳng định rằng nếu như các đồng chí cán bộ các thời kỳ mà làm đúng theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì dân chúng tôi không phải đến hội nghị này nhưng vì sự tắc trách, quan liêu của cán bộ các thời kỳ, trên nóng dưới lạnh dẫn đến là dân khổ. Đất của gia đình bà Mướt nói riêng và của một số gia đình còn lại nói chung là đất thổ cư đã có từ thế kỷ X – XV mà ngang nhiên đưa vào đất trồng rừng là cán bộ làm sai. Tôi khẳng định đất đây là đất của nhà ông Môn, bà Mướt không ai tranh chấp.Tài sản của dân là phải trả cho dân, không thể biến tấu, bẻ cong sự thật để trục lợi, chiếm không đất của gia đình người ta được”.
Cuối cùng hội nghị đi đến thống nhất: “Nguồn gốc đất của ông Lê Văn Môn và bà Viên Thị Mướt đã có từ lâu đời. Đề nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền xem xét và cấp GCN QSDĐ cho gia đình bà Viên Thị Mướt”.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, thiết nghĩ không còn lý do gì để trì hoãn việc cấp GCN QSDĐ cho gia đình bà. Chúng tôi tha thiết đề nghị, lãnh đạo các cấp có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc để trả lại công lý cho gia đình bà Mướt, trả lại niềm tin của dân, đối với Đảng, không thể chỉ vì một vài thành phần tiêu cực trong hàng ngũ lãnh đạo mà làm mất đi tính nghiêm minh, công bằng của Pháp luật.