Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước: Siết chặt công tác quản lý, 'mạnh tay' xử lý sai phạm
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp nói chung và công tác quản lý về công chứng nói riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước đạt được nhiều kết quả tích cực.
Là một trong những địa phương được Bộ Tư pháp đánh giá cao qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Bộ. Từ năm 2016 - 2018, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, và việc xử lý đối với các sai phạm cũng có phần “mạnh tay” nhất toàn quốc.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số vấn đề tiêu cực vẫn đang được tiếp tục giải quyết. Chưa kể, đã phát hiện trường hợp cán bộ, công chức của Sở Tư pháp ngấm ngầm tham gia thành lập Văn phòng công chứng. Họ trực tiếp điều hành hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trái pháp luật.
Qua công tác kiểm tra, Sở Tư pháp phát hiện tại một số tổ chức hành nghề công chứng có liên quan đến vị cán bộ này, xảy ra rất nhiều vi phạm có tính chất nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn, việc xét duyệt cho phép thành lập tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh cũng có dấu hiệu của sự tác động rất xấu từ vị cán bộ này. Sở Tư pháp đã phối hợp với Công an tỉnh xác minh, xác định dấu hiệu tội phạm. Hiện hồ sơ các cá nhân và tổ chức có liên quan đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước thông báo thụ lý.
Theo nội dung văn bản số 878/STP-GD&BTTP ngày 15/10/2019 của Sở Tư pháp về việc báo cáo tình hình liên quan đến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 2912/UBND-NC có một số nội dung chính:
“Trong quá trình thi hành công vụ, công chức Sở Tư pháp phát hiện ông C. – Công chứng viên Văn phòng Công chứng L.N (Bù Đăng) ký công chứng hai hợp đồng, giao dịch có vi phạm quy định pháp luật về công chứng.
Cụ thể đã thực hiện công chứng đối với Hợp đồng “Thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” số 3072 ngày 09/7/2019 và Hợp đồng “Thuê quyền sử dụng đất” số 3639 ngày 19/8/2019, với các vi phạm:
- Đối tượng của hợp đồng không đúng với thực tế ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Không đủ chữ ký của các bên tham gia giao dịch vào các trang của hợp đồng.
Hành vi công chứng hợp đồng có đối tượng, nội dung của hợp đồng không đúng với thực tế ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vi phạm quy định tại Khoản 5, Điều 40 Luật Công chứng 2014. Phạm vào điểm e, Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 110/2013/ND-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ”.
Cả hai hợp đồng trên đều có cùng chủ thể tham gia giao dịch và cùng đối tượng giao dịch hợp đồng nhưng Công chứng viên vẫn lặp lại hành vi vi phạm trong thời gian ngắn. Công chứng viên đã tự ý bỏ qua nguyên tắc, quy trình nghiệp vụ khi hành nghề theo quy định của pháp luật.
Do Đề án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Phước (kèm theo Quyết định số 999-QĐ/TU ngày 10/4/2017) và Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 của UBND tỉnh Bình Phước, thì Sở Tư pháp không còn cơ quan Thanh tra và chức danh Chánh Thanh tra Sở nên đồng nghĩa với việc bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ, thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước.
Sau khi gửi văn bản số 78/CV-VPCC về việc giải trình biên bản vi phạm hành chính, ngày 01/10/2019, tổ chức hành nghề công chứng L.N (Bù Đăng) tiếp tục gửi văn bản số 82/CV-VPCC phúc đáp công văn số 819/STP-GD&BTTP của Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước. Vì nội dung có tính chất tranh cãi nhưng không phù hợp quy định pháp luật nên Sở Tư pháp tỉnh đã có văn bản số 315/ STP-GD&BTTP ngày 11/10/2019 để phản hồi.
Theo kiến nghị của Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước cho thấy, việc vi phạm xảy ra tại tổ chức hành nghề công chứng L.N. (Bù Đăng) do Công chứng viên C. thực hiện ký công chứng trái pháp luật cho hai hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, tài sản là nhà ở, xuất phát từ hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng khác, tên D.U trên địa bàn huyện Bù Đăng.
Nghiêm trọng hơn, theo tài liệu có trong hồ sơ do Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước thu thập trong quá trình thi hành công vụ, đã phát hiện có dấu hiệu “tiếp tay” vi phạm của một thanh tra viên – Sở Tư pháp. Người này là người trực tiếp chỉ đạo, điều hành các hoạt động tư pháp tại tổ chức hành nghề công chứng D.U. Dẫn chứng, ngày 27/7/2019, người này đã chỉ đạo chuyển trụ sở tổ chức hành nghề công chứng D.U. trái pháp luật. Sau đó, mới lần lượt gửi các hồ sơ về Sở Tư pháp đăng ký thay đổi trụ sở. Đồng thời, Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đã phát hiện các hợp đồng được lập khống về đối tượng giao dịch, dẫn đến việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với cá nhân Công chứng viên C.
Từ những vi phạm nghiêm trọng nêu trên, hiện nay, Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đang cũng cố hồ sơ để trình Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước xem xét trường hợp không đảm bảo điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề công chứng D.U.
Trong Biên bản làm việc ngày 18/9/2019 với Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước, ý kiến của Công chứng viên U. thể hiện: “Tôi (xin không nêu tên – NV) đã được nhận 02 văn bản trả lời của Sở Tư pháp về việc không thụ lý hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của VPCC D.U. Tôi đã hiểu, nhận thức rõ được lý do Sở Tư pháp trả lại hồ sơ. Bản thân tôi đứng danh nghĩa là Trưởng VPCC nhưng thực tế đang làm thuê cho ông (thanh tra viên – Sở Tư pháp – NV). Tôi làm công chứng viên thuê cho ông này từ năm 2016 và được ông ta điều động đến làm việc tại VPCC V.H. (nay là VPCC D.U.). Vợ tôi cũng đang làm thuê cho ông này. Hiện được giao làm Công chứng viên tại VPCC L.N. (Bù Đăng). Do là người làm thuê nên tôi và vợ tôi thực tế không có quyền điều hành, quản lý VPCC. Chính ông ta là người điều hành, quản lý”.
Vụ việc nêu trên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay chưa thuộc về quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước. Đầu tiên là Cơ quan điều tra – Công an tỉnh Bình Phước.
Tài liệu trong hồ sơ cũng thể hiện vị thanh tra viên – Sở Tư pháp có liên quan đến tổ chức hành nghề công chứng L.N (Bù Đăng). Tiếc rằng, hiện nay có một số dư luận hoàn toàn trái ngược do thu thập thiếu kiểm chứng, đa chiều, cố tình chuyển hướng bằng những bình luận chủ quan, dẫn đến bảo vệ việc sai phạm. Điều đó dẫn đến thật giả lẫn lộn, khiến dư luận hoang mang là điều không đáng xảy ra.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và chuyển tải đến bạn đọc.
Còn nữa.