Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 14/10/2019 03:47 (GMT+7)

Sóc Sơn (Hà Nội): Dân 10 năm sống trong ô nhiễm, chính quyền 'bó tay'!

Do kết quả phân tích của các cơ sở này vượt chỉ tiêu về quy chuẩn chất thải dưới 10% nên không phải là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và UBND huyện Sóc Sơn không thể cưỡng chế di dời được.

Mới đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài phản ánh về “Xã Tiên Dược (Sóc Sơn, HN): Cơ sở đun nấu tạo hạt nhựa gây ô nhiễm”. Theo đó, gần 10 năm nay người dân thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn phải hít chung bầu không khí ô nhiễm được thải ra từ các lò đun nấu tạo hạt nhựa nằm xen lẫn trong khu dân cư.

Không khí ô nhiễm nghiêm trọng bao trùm khu dân cư xóm Trại, thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược từ các lò đun nấu tạo hạt nhựa.

Người dân nơi đây cũng đã gửi đơn kiến nghị, đơn kêu cứu đến các cấp chính quyền, đến các cơ quan chức năng. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì các xưởng đun nấu tạo hạt nhựa này vẫn án ngữ tại đây và với quy mô ngày càng mở rộng.

Để làm rõ vấn đề trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với đại diện UBND huyện Sóc Sơn là bà Lê Thị Hải – Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Sóc Sơn.

Đơn kiến nghị người dân thôn Dược Hạ gửi đến các cơ quan chức năng từ năm 2016 đến nay vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Trao đổi với PV, bà Hải cho biết: “Từ trước đến nay chúng tôi đã 3 lần thành lập đoàn kiểm tra bao gồm Cảnh sát môi trường Hà Nội, UBND huyện và UBND xã. Mỗi lần kiểm tra chúng tôi đều tiến hành lấy mẫu nước thải, không khí và tiếng ồn để quan trắc. Và kết quả mới đây cho thấy các cơ sở này đều nằm trong ngưỡng quy chuẩn Việt Nam, không vượt quá quy định.

Nước thải từ giặt bao tải và đun nấu hạt nhựa được các cơ sở này không qua xử lý, xả thẳng ra cống rảnh của khu dân cư gây ùn tắc, tràn cả ra đường đi.

Trong quá trình kiểm tra các thủ tục về môi trường thì các cơ sở đun nấu tạo hạt nhựa này không có kế hoạch bảo vệ môi trường, và theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nếu cơ sở không có kế hoạch bảo vệ môi trường thì sẽ do UBND xã ban hành quyết định xử phạt”.

Năm 2017 UBND huyện Sóc Sơn quan trắc môi trường vượt quy chuẩn nên đã xử phạt hành chính 31 cơ sở giặt bao tải và đun nấu hạt nhựa với số tiền gần 300 triệu đồng.

Trong hồ sơ mà Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cung cấp cho thấy, trong năm 2017 UBND huyện Sóc Sơn phối hợp với Viện công nghệ môi trường kiểm tra và lấy mẫu phân tích nước sau xử lý của 25 hộ giặt bao tải và 5 hộ tạo hạt nhựa trên địa bàn xã Tiên Dược. Căn cứ kết quả phân tích vượt ngưỡng cho phép, UBND huyện đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các hộ trên với tổng mức tiền phạt là 200.650.000 đồng.

Đối với 5 hộ đun nấu tạo hạt nhựa và 1 hộ làm gioăng kính thì kết quả phân tích mẫu khí thải ống khói có các chỉ tiêu vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải gấp 1,1 lần, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cảnh cáo. Và do các kết quả phân tích này vượt chỉ tiêu về quy chuẩn chất thải dưới 10% nên không phải là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và huyện không thể cưỡng chế di dời được.

Ngày 4/7/2018 UBND huyện Sóc Sơn đã gửi báo cáo đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế, di dời đối với các cơ sở này ra khỏi khu dân cư.

Do kết quả phân tích vượt ngưỡng quy chuẩn dưới 10% nên không phải là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Sở TNMT Hà Nội không cho phép UBND huyện Sóc Sơn cưỡng chế, di dời các cơ sở này.

Tuy nhiên ngày 9/10/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có văn bản gửi UBND huyện Sóc Sơn nêu rõ: “Căn cứ điều 6 Thông tư 04/2012/TT-BTNMT ngày 08/5/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kết quả phân tích mẫu khí thải tại các cơ sở thì việc xác định các cơ sở trên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về khí thải, bụi là chưa đủ cơ sở và căn cứ pháp lý. Việc UBND huyện Sóc Sơn đề xuất UBND TP Hà Nội áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc di dời các cơ sở sản xuất trên là chưa phù hợp”.

UBND huyện Sóc Sơn trả lời đơn của bà Bùi Thị Loan. Tuy nhiên kết quả không vượt quy chuẩn nên không có cơ sở xử phạt hành chính.

Mới đây nhất, UBND huyện Sóc Sơn đã gửi văn bản trả lời về việc giải quyết đơn của bà Bùi Thị Loan – thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn với nội dung các cơ sở tái chế hạt nhựa hoạt động 24/24h, mùi khét gây ô nhiễm môi trường và cuộc sống của cộng đồng dân cư. Và ngày 10/6/2019 UBND huyện Sóc Sơn đã có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Sóc Sơn, trong đó có Tiên Dược. Đoàn kiểm tra phối hợp với đơn vị chức năng lấy mẫu đột xuất nguồn thải của các cơ sở tạo hạt nhựa trên địa bàn xã Tiên Dược, và căn cứ kết quả phân tích, UBND huyện sẽ xử lý vi phạm hành chính của các cơ sở trên theo thẩm quyền và hướng dẫn của Liên ngành.

Đoàn kiểm tra của UBND huyện Sóc Sơn thực hiện kiểm tra, lấy mẫu đều có báo trước đến cơ sở, nên kết quả kiểm tra của các cơ sở này vẫn nằm trong ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Hải – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết: “Thành lập đoàn kiểm tra thì chúng tôi bắt buộc phải có thông báo trước với cơ sở sản xuất. Chúng tôi không phải là công an điều tra hay cảnh sát mà có thể ập vào kiểm tra đột xuất như vậy được. Và kết quả kiểm tra đợt tháng 8/2019 vừa rồi thì các thông số nước thải, khí thải và tiếng ồn đều nằm trong ngưỡng cho phép, không vượt quy chuẩn. Chính vì vậy nên huyện không có cơ sở để ra văn bản xử lý vi phạm hành chính”.

Như vậy, mặc dù có đơn thư phản ánh của người dân, thế nhưng phải chăng cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn cũng phải “bó tay” trước những cơ sở đun nấu tạo hạt nhựa xả khí thải đen xì, xả nước thải chưa qua xử lý thẳng ra môi trường trên địa bàn thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược?

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới

FDA Mỹ phát hiện thuốc điều trị hen suyễn Singulair có thể ảnh hưởng đến não bộ
Các nhà nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đã phát hiện rằng thuốc hen suyễn phổ biến Singulair, do Merck sản xuất trước đây, có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ở một số bệnh nhân. Thuốc này, với thành phần chính là montelukast, gắn vào nhiều thụ thể trong não có vai trò quan trọng đối với các chức năng tâm thần.
Cảnh giác với hình thức lừa đảo bằng mã QR thông qua các nền tảng kỹ thuật số
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi bắt gặp các tin nhắn, Email hoặc các bài đăng chứa đựng mã QR. Đồng thời, cẩn trọng xác minh thông tin của cá nhân, đơn vị hoặc tổ chức cung cấp mã QR thông qua số điện thoại hoặc các trang thông tin uy tín.