Sử dụng nước nhiễm vi khuẩn E.coli có thể gây ra bệnh gì?
Vi khuẩn E.coli nhiễm vào nguồn nước hoặc thức ăn có thể dẫn đến hàng loạt bệnh cho con người
Từ ngày 14/10, hàng nghìn người dân tại khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội bị thiếu nước kéo dài. Tình trạng mất nước xảy ra sau khi người dân tại đây phản ánh nguồn nước sinh hoạt do Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà (Công ty Thanh Hà) cung cấp không đảm bảo chất lượng, gây cay mắt, khó thở, mẩn ngứa khi sử dụng.
Tại cuộc họp chiều muộn ngày 21/10, do UBND xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội), tổ chức, trả lời các câu hỏi liên quan đến chất lượng nguồn nước, ngành y tế huyện Thanh Oai cho biết kết quả mẫu xét nghiệm nước sạch lấy mẫu tại khu đô thị Thanh Hà vào ngày 13/10 vừa qua thể hiện trong nước có nhiễm vi khuẩn E.coli.
Ngành y tế huyện Thanh Oai khuyến cáo cư dân tạm thời không sử dụng nước sạch lấy trực tiếp từ vòi trong khu đô thị để ăn uống.
Ngay sau cuộc họp nêu trên, nhiều lãnh đạo tổ dân phố trong khu đô thị Thanh Hà đã lập tức phát khuyến cáo gấp đến các hội nhóm của tổ dân phố.
Ngành y tế địa phương cũng cho biết kết quả mẫu xét nghiệm nước tại khu đô thị Thanh Hà có nhiễm vi khuẩn E.coli. Chính quyền khuyến cáo cư dân tạm thời không ăn uống trực tiếp nước tại vòi.
Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp điều tiết, bổ sung nguồn cấp nước sạch ổn định cho khu đô thị Thanh Hà, đồng thời yêu cầu Công ty Thanh Hà phối hợp với chủ đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện quy trình xử lý nguồn nước ngầm tại chỗ để đảm bảo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Vi khuẩn E.coli nhiễm vào nguồn nước hoặc thức ăn có thể dẫn đến hàng loạt bệnh cho con người
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) vi khuẩn E.coli có trong tự nhiên, thường xâm nhập vào cơ thể con người thông qua nguồn nước uống hoặc thức ăn.
Đa số người bị nhiễm E.coli thời gian đầu không có triệu chứng mắc bệnh. Thời gian ủ bệnh của loại vi khuẩn này khoảng 3-4 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng tại đường ruột. Các triệu chứng có thể là tiêu chảy nhẹ, sốt nhẹ hoặc tiêu chảy ngắt quãng không kèm theo sốt.
Theo ông Thịnh, trong một số ít trường hợp, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi, người già, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng, có thể phát triển hội chứng tăng urê máu có tán huyết gây suy thận, xuất huyết và các vấn đề thần kinh khác. Tỷ lệ tử vong vào khoảng 3-5% ở những trường hợp này.
Chuyên gia cho rằng, nếu vi khuẩn chỉ xuất hiện trên bề mặt ruộng đồng hoặc ngoài không khí thì không nguy hiểm vì có thể bị tiêu diệt do nhiệt độ. Thế nhưng khi vi khuẩn E.coli ngấm sâu vào nước và không được xử lý triệt để sẽ lan rộng, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dùng, thậm chí gây chết người.
Ông Thịnh khuyến cáo, người dân tuyệt đối không dùng trực tiếp nguồn nước khi phát hiện nhiễm khuẩn. Đơn vị xử lý nguồn nước cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định và tiêu chuẩn nguồn nước cung cấp cho người dân theo tiêu chuẩn Bộ Y tế cho phép.
Để đề phòng nhiễm khuẩn, người dân cần ăn chín uống sôi. Với hoa quả, sau khi rửa sạch thì phải gọt hoặc bóc vỏ.