Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 27/05/2020 02:19 (GMT+7)

Sự ích kỷ của người lớn đẩy con trẻ trở thành nạn nhân của mạng xã hội

Cùng với những lợi ích thiết thực, mạng xã hội đang đem lại những hậu quả vô cùng to lớn đối với cuộc sống con người. Và trong đó, con trẻ cũng trở thành nạn nhân, chủ đề bàn tán của nhiều người.

Xung quanh câu chuyện cháu bé học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng bị cô giáo nêu tên vì đi học sớm được dư luận thời gian qua, tôi không dám bàn luận ai đúng, ai sai trong việc này. Tuy nhiên, công bằng mà nói, trong sự việc này cả giáo viên và phụ huynh đều sai. Sai ở chỗ, người lớn đang vì sự ích kỉ của bản thân mà vô hình trung đã biến con trẻ trở thành nạn nhân của mạng xã hội; khiến cả xã hội “đổ dồn” sự chú ý vào ánh mắt thơ ngây của con trẻ.

Ảnh minh họa.

Xét công bằng, về phía nhà trường đã đưa ra quy định cấm học sinh vào lớp học trong khi các học sinh bán trú khác đang nghỉ trưa là đúng. Bởi, như Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Đại học sư phạm Hà Nội nói đây là thời điểm “rất riêng tư” của con trẻ, và các cháu cần được tôn trọng trong thời điểm này.

Việc cô giáo chụp ảnh các cháu đi học sớm rồi đưa lên mạng xã hội là một điều đáng trách, bởi đây không phải là nơi để đưa hình ảnh các cháu lên – nhất là với mục đích chỉ “để cho phụ huynh biết”.

Sự việc đi quá xa khi mẹ của cháu bé chụp ảnh cháu đưa lên mạng xã hội, rồi các tài khoản cá nhân khác theo đó “truyền tin” là một việc làm rất vô cảm, vì mục đích “lên tiếng” bảo vệ các cháu (giả sử sự việc đúng như phản ánh).

Ngay sau đó, lại chính Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đích thân xuống tận cơ sở để giải quyết sự việc lại càng khiến dư luận quan tâm, đẩy sự việc đi xa “thêm một bước”. Phải chăng, các ngành chức năng địa phương (UBND phường, Phòng Giáo dục, UBND quận…) không giải quyết nổi một sự việc “cỏn con” mà phải cần đến sự “ra tay” của chính quyền cấp thành phố?.

Sau cuộc làm việc “ba bên”, UBND TP. Hải Phòng ra kết luận nhưng lại “sai lệch” với nội dung của buổi làm việc khiến phụ huynh học sinh bức xúc. Trong việc này, ngay đối với sự việc xử lý liên quan đến con trẻ các ngành chức năng cũng “chưa làm đúng sự thật”. Và sự việc lại tiến xa thêm một bước, và dư luận lại có thêm cơ hội để quan tâm.

Trong việc này, nhiều ý kiến cho rằng tại sao nhà trường không bố trí một địa điểm để cho các cháu không ăn bán trú tập trung trước khi tới giờ vào lớp. Nói thì dễ, nhưng làm lại vô cùng khó. Bởi, sẽ phát sinh phụ phí. Ít ai hiểu, để thu một khoản tiền nằm ngoài danh sách (nhất là đối với giáo dục) các đơn vị cấp trường gặp rất nhiều khó khăn bởi do cơ chế, do còn nhiều ý kiến trái chiều…

Minh chứng, nhiều trường học ở Hà Nội phụ huynh muốn trang bị điều hòa lớp học cho con mình nhưng cơ chế đặt ra yêu cầu phải có đơn xin, lập danh sách đồng thuận, trình cấp này cấp kia… nếu chờ được duyệt chắc cũng… hết mùa nóng. Có trường phụ huynh đã chung tiền để lắp, nhưng gặp phải một vài ý kiến trái chiều đành phải tháo xuống để làm theo quy trình… Điều hòa để xó, học sinh vẫn mướt mồ hôi trong tiết học.

Trở lại câu chuyện ở Hải Phòng, chỉ sau khi Chủ tịch UBND thành phố xuống làm việc với Trường Tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hải Phòng mới có văn bản về việc thực hiện mở cổng trường cho học sinh không bán trú được vào trường trong thời gian học sinh bán trú nghỉ trưa.

Như vậy, có thể thấy quy định chỉ được đưa ra khi có “sự cố”; mang tính áp đặt, khiên cưỡng; mang “dấu ấn” lãnh đạo hơn là vì lợi ích chung. Nếu như, nhà trường và phụ huynh ngay từ đầu có “tiếng nói chung”, có sự đồng thuận; lãnh đạo ngành có sự quan tâm, sát sao ngay từ ban đầu thì con em của các phụ huynh, học sinh của các thầy cô đâu có trở thành chủ đề để “bàn tán” của mạng xã hội. Phải chăng, nhà trường ở đây nói riêng đang bị những cơ chế ràng buộc nên không lưu tâm đến những vấn đề tưởng rất nhỏ nhặt này; phụ huynh và giáo viên vì sự “nông nổi” đã khiến hình ảnh của những đứa trẻ non nớt mới chập chững bước vào cấp học đầu tiên này xuất hiện khắp các trang mạng xã hội?.

Nói đến cơ chế, ngành giáo dục thời gian qua vẫn “loay hoay” trong giới hạn của mình mà chưa tìm được một giải pháp mang tính đột phá trong cách quản lý và thực hiện chức tốt chức năng giảng dạy. Để rồi, mỗi một năm học mới bắt đầu lại “rùm beng” câu chuyện thu phí đầu năm; tiêu cực trong thi cử, tuyển sinh… khiến dư luận “ngán ngẩm”… không muốn bàn đến.

Trong câu chuyện ở Hải Phòng, có thể nói học sinh không có lỗi, có chăng lỗi ở nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Cả ba đã biến các em thành tâm điểm của sự bàn tán, và tất cả đều xuất phát từ mạng xã hội.

Ngày nay, khi điện thoại thông minh (smartphone) trở nên phổ biến đối với mỗi người dân Việt Nam thì việc giao lưu, trao đổi, tiếp cận kiến thức pháp luật… dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều. Nhưng điều lạ, cả giáo viên và phụ huynh trong việc này sao không dùng điện thoại vào việc có ích nhất, đó là cùng nói chuyện, trao đổi để tìm cách tháo gỡ khó khăn giúp con em, học sinh mình có một môi trường học tập tốt nhất.

Cũng với chiếc điện thoại, họ có thể tìm hiểu những mặt trái của mạng xã hội, những hậu quả của việc đưa tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội… Trường hợp này giống như việc rất nhiều người có bằng lái xe máy nhưng khi tham gia giao thông lại không đọc nổi một biển báo giao thông cắm trên đường…

Như vậy, điện thoại thông minh có chăng chỉ là công cụ để trang trí, để thỏa mãn những thú vui giải trí… và là nơi để trút bỏ những “ích kỉ” cá nhân. Hậu quả để lại chính là những vết thương “tâm hồn” cho con trẻ. Theo thời gian, những tranh cãi, mâu thuẫn của người lớn có thể được giảng hòa hay xí xóa, nhưng những “vết thương tâm hồn” của con trẻ biết đến bao giờ mới “mọc da non”?.

Cùng chuyên mục

Lâm Đồng: Thượng úy CSGT trao lại tài sản cho du khách đánh rơi
Công an thị trấn Di Linh phối hợp với Thượng úy Đinh Quang Dũng – tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc chốt cảnh sát giao thông Phú Hiệp, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Lâm Đồng tiến hành hoàn tất các thủ tục trao trả lại tài sản cho người đánh rơi.

Tin mới

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.