Thái Nguyên: Nhiều hệ lụy từ việc thành lập sai BQL Đến Đá Thiên
Dù chính quyền thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã nhận thiếu sót trong việc ban hành, thành lập Ban quản lý có dấu hiệu trái luật tuy nhiên nhiều hệ lụy “đằng sau” vẫn chưa được làm rõ.
Theo tìm hiểu của PV, tại Khoản 3, Điều 11, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã nêu rõ thẩm quyền của cấp xã, thị trấn chỉ được phép ra văn bản công nhận người đại diện hoặc thành viên Ban quản lý.
Tuy nhiên ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch thị trấn Trại Cau lại ban hành hai quyết định số 60; quyết định 303 với nội dung thành lập và kiện toàn Ban quản lý.
Người dân thị trấn đã khởi kiện nội dung hai quyết định trên ra tòa, ngày 24/6/2019, ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch Uỷ ban thị trấn Trại Cau đã ra văn bản thu hồi, hủy bỏ hai quyết định nêu trên bằng quyết định số 211.
Trao đổi với PV, ông Khoa – người trực tiếp ký hai văn bản trên đã thừa nhận sai sót, ông nói: “Tôi thừa nhận là nội dung câu từ và thành phần bầu trong nội dung hai Quyết định 60 và 303 là chưa chuẩn.
Thành phần bầu các thành viên trong Ban quản lý không phải người cộng đồng, câu từ trong Quyết định số 60 nêu “thành lập” là chưa đúng vì theo thẩm quyền chúng tôi chỉ được phép công nhận.
Chúng tôi dự định sẽ ra Quyết định sửa đổi, thay thế nhưng tôi nghĩ không đảm bảo vì họ lại tiếp tục kiện mình về thành phần bầu bởi thành phần bầu không phải người cộng đồng dân cư. Mình không thu hồi hai quyết định đó mà dân kiện thì mình cũng sai”.
Tiền công đức đã được thu, chi như thế nào?
Việc chính quyền thị trấn Trại Cau ban hành quyết định thành lập Ban quản lý là không đúng thẩm quyền, thành phần bầu thành viên Ban quản lý không phải người thuộc cộng đồng dân cư… vì vậy tính pháp lý của Ban quản lý, thành viên trong ban do UBND thị trấn Trại Cau thành lập trước đó không được người dân công nhận nên việc ban hành quy chế hoạt động, thu chi tài chính… và sử dụng con dấu Ban quản lý của UBND thị trấn Trại Cau để ghi nhận tiền công đức đang để lại nhiều hệ lụy.
Liên quan đến số tiền công đức mà Ban quản lý Đền cũ đã thu được, người dân bày tỏ “ý nguyện” yêu cầu xác minh, làm rõ việc thu – chi số tiền công đức trên.
Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết: “Tiền công đức thu được đã được Ban quản lý trích 20% chi trả tiền công cho thành viên Ban quản lý, còn 80% được sử dụng để đầu tư, nâng cấp ngôi Đền Đá Thiên”.
Tuy nhiên, người dân thị trấn lại phủ nhận cho biết không có bất kì hoạt động đầu tư, nâng cấp tu sửa ngôi Đền như địa phương đã nêu.
Để rộng đường dư luận, PV đề nghị UBND thị trấn Trại Cau cung cấp hồ sơ tài liệu về tổng số tiền đã thu – chi; danh sách người quản lý tiền công đức; hồ sơ tài liệu thể hiện việc chi trả 20% tiền công; hóa đơn mua sắm thiết bị, vật tư (nếu có) của 80% số tiền dành cho việc tu sửa, đầu tư ngôi Đền Đá Thiên…
Tuy nhiên, phía UBND thị trấn Trại Cau chưa cung cấp được và chỉ đưa ra văn bản Quy chế hoạt động của Ban quản lý!?
Tiếp xúc với PV ông C.N (Một người dân địa phương giấu tên) cho hay: “Ban quản lý được thành lập dựa trên văn bản có dấu hiệu trái luật, dù đã thu hồi, hủy bỏ nhưng hệ lụy vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Tôi kiến nghị, yêu cầu kiểm tra lại số tiền mà Ban quản lý cũ đã thu đồng thời làm rõ số tiền đã thu được đã sử dụng, thu chi ra sao? Có vào túi cá nhân nào không?”
Có hay không chuyện ông Phó Ban quản lý bị tố gây xô xát đến chấn thương?
Trong số thành viên Ban quản lý (cũ) do chính quyền Trại Cau thành lập, đáng chú ý là ông Đỗ Khắc Thân, Phó Ban quản lý và là Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Thiên Phúc có trụ sở tại Ninh Bình đang triển khai Khu du lịch sinh thái trên địa bàn thị trấn Trại Cau.
Ngày 21/1/2019, nhóm thành viên Ban quản lý (cũ) đã đến ngôi Đền để lắp đặt biển hiệu, đặt hòm công đức thu tiền…
Trong quá trình đó, ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty Thiên Phúc, Phó ban quản lý đã bị người dân “tố” có hành vi… xô ngã khiến một người dân trong khu vực Đền bị chấn thương não và tụ máu da đầu phải cấp cứu, điều trị tại bệnh viện gần 10 ngày.
Nhân vật trong sự việc này, bà P.T.N. (người dân tổ 17) kể lại: “Hôm đó tôi ở trong khu vực Đền, thấy một nhóm người mang nhiều vật dụng vào Đền, tôi có nhắc nhở họ không được mang vật dụng vào nhưng nhóm người đó không nghe.
Khi đó, ông Đỗ Khắc Thân có đeo thẻ chức danh Phó ban quản lý đã đến xô tôi ngã xuống bậc cổng Đền dẫn đến thương tích, khiến tôi phải nhập viện nhiều ngày”.
Sau đó, bà N. đã có đơn trình báo sự việc và đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trả lời báo chí, ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết, cơ quan công an đã tiến hành xác minh, điều tra tuy nhiên không có việc ông Đỗ Khắc Thân xô xát với người dân khiến phải nhập viện điều trị nên không có cơ sở để điều tra.
“Kiểu ngã của bà N. Công an đã điều tra, bà N. đi qua chỗ ông Thân trượt chân hay tự ngã nên đổ cho ông Thân huých, nói ông Thân du dẫn đến chấn thương nặng. Công an điều tra đã làm việc nhưng không có cơ sở để điều tra” – ông Khoa nói.
Ông Đỗ Khắc Thân, Phó Ban quản lý, Giám đốc công ty TNHH Thiên Phúc cũng khẳng định không có việc xô xát giữa ông và người dân tên N.
“Đó là ăn vạ thôi. Dân kiện là một vấn đề, ở đây cơ quan điều tra đã làm rõ. Nếu tôi mà sai thì đã bị cơ quan đã xử lý” – ông Thân nói thêm.
Được biết ông Đỗ Khắc Thân vốn không phải người của cộng đồng dân cư, ông Thân được bầu làm Phó ban quản lý là bởi theo văn bản số 353 của UBND huyện Đồng Hỷ yêu cầu, theo hai Quyết định của UBND thị trấn Trại Cau.
Có ý kiến cho rằng, nếu ngay từ đầu phía chính quyền Trại Cau thực hiện đúng các quy trình, cầu thị tiếp nhận ý kiến đóng góp, lắng nghe nguyện ý của người dân thì chắc chắn không việc bị người dân kiện ra tòa; không có việc người dân nghi ngờ khuất tất về tiền công đức và nhất là sẽ không có vị phó ban quản lý bị “tố” xô xát khiến người dân nhập viện.
Đề nghị thanh tra huyện Đồng Hỷ vào cuộc làm sáng tỏ, minh bạch sự việc nói trên, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.