TP.HCM: Tòa thụ lý vụ án gần 3 năm nhưng chưa đưa ra… xét xử!?
Phản ánh đến báo, cụ Phạm Thị Muốn (SN 1942, ngụ A3/17, ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết người hàng xóm kế bên là bà Trần Thị Ngọc Oanh (SN 1961, trú tại A3/15, ấp 1, xã Bình Chánh) đã lấn chiếm của gia đình bà 24m2 đất (ngang 2m, dài 12m). Bà Oanh đã ngang nhiên dựng cột sắt, mái tôn trên phần đất lấn chiếm.
Ngày 27/10/2016 UBND xã Bình Chánh đã tổ chức buổi hòa giải do bà Trần Thị Thái Nguyên (Chủ tịch UBND xã chủ trì), có biên bản. Tại đây, cụ Muốn (SN 1942, ngụ A3/17, ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) yêu cầu bà Oanh (SN 1961, trú tại A3/15, ấp 1, xã Bình Chánh) phải trả lại cho cụ 24m2 đất đã lấn ranh vì nhà đất của cụ có từ năm 1963, từ thời ấp chiến lược. Hiện nay, đất của cụ Muốn cũng đã được UBND huyện Bình Chánh cấp GCN số CH 1978 ngày 13/8/2013, người đứng tên đích danh trên sổ là cụ Muốn. Sau nhiều năm sinh sống ổn định ở đây, không ai tranh chấp và có ý kiến gì về ranh đất của cụ.
Theo cụ Muốn, đất của bà Oanh có nguồn gốc mua từ ông Hồ Phú Chánh, phần nhà xây đúng vị trí nhưng phần sân thì đã lấn sang đất của cụ Muốn chiều dọc 12m chiều ngang 2m. Cụ Muốn cho rằng, nguyên nhân lấn đất là do bà Oanh có ý định mua đất của gia đình cụ nhưng cụ không bán, trong khi phía bà Oanh thì “lập luận” là có đưa cho cụ Muốn 500 ngàn đồng.
Về chi tiết này, cụ Muốn cho rằng bà Oanh lại nghic ra chuyện vô lý, bởi 24m4 đất thì không thể có giá 500 ngàn đồng. Ngoài ra, quan điểm của cụ ngay từ đầu là không bán đất thì hà cớ gì cụ lại bán phần đất đang tranh chấp với giá rẻ hơn cho như vậy? Cuối cùng đại diện UBND xã kết luận buổi hòa giải này không thành và đề nghị hai bên kiện nhau ra tòa để giải quyết.
Theo hướng dẫn, cụ Muốn làm đơn khởi kiện và ngày 5/4/2017 TAND huyện Bình Chánh có thông báo thụ lý vụ án số 121/2017/TB-TLVA do thẩm phán Hồ Thị Thanh Loan ký về tranh chấp quyền sử dụng đất xác định cụ Muốn là nguyên đơn. Tại bản tự khai gửi tòa, cụ Muốn cho rằng cụ đã nhiều góp ý, nhắc nhở, hòa giải nhưng phía bà Oanh vẫn cố chấp không trả lại phần đất đã lấn chiếm. Nay đề nghị tòa nhanh chóng giải quyết đúng pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho cụ.
Tuy nhiên từ đó đến nay, vụ kiện vẫn dậm chân tại chỗ dù cụ Muốn đã nhiều lần yêu cầu tòa đưa vụ án ra xét xử nhằm phân định phải trái. Theo phản ánh của cụ Muốn, không chỉ chậm đưa vụ án ra xét xử theo luật định mà thi thoảng thẩm phán thụ lý vụ án còn gọi cụ lên nộp tiền nói là để thẩm định tài sản, khi thì một triệu, khi thì vài triệu, nhưng không ghi tờ giấy biên nhận.
Đến tháng 6/2017, TAND huyện Bình Chánh mới ra quyết định xem xét thẩm định tại chỗ đối với phần đất tranh chấp là 24m2. Thế rồi mãi đến ngày 28/3/2018, thẩm phán mới ra quyết định thành lập hội đồng định giá tài sản là phần diện tích 24m2 với thành phần là đại diện Phòng Tài chính- Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, sau đó tòa vẫn không đưa vụ án ra xét xử.
Ngày 21/6/2019, TAND huyện Bình Chánh có thông báo thụ lý Vụ án số 464/TB-TLVA do thẩm phán Huỳnh Văn Lưới ký với nội dung tòa này thụ lý để giải quyết vụ kiện tranh chấp 24m2 giữa cụ Muốn và bà Oanh. Thông báo này xác định: Cụ Phạm Thị Muốn yêu cầu bà Trần Thị Ngọc Oanh trả cho cụ diện tích 24m2 thuộc 1 phần thửa 710, tờ bản đồ số 8, xã Bình Chánh huyện Bình Chánh theo GCNQSDĐ số CH 00789 do UBND huyện Bình Chánh cấp ngày 15/7/2011.
Như vậy, sau gần 3 năm khởi kiện và được thẩm phán Loan thụ lý và tiến hành một số động tác tố tụng, thì vụ kiện lại quay lại điểm xuất phát ban đầu với người giải quyết mới là thẩm phán Lưới. Câu hỏi đặt ra là không biết cụ Muốn phải chờ đến bao giờ thì tòa mới đưa vụ án ra xét xử?.
Bàn về vụ án này, luật sư Trần Nguyễn Thảo Nguyên (thuộc đoàn luật sư TP.HCM cho rằng) TAND huyện Bình Chánh đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và thời hạn đưa vụ án ra xét xử. Bởi theo Khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tính từ thời điểm thụ lý vụ án, thời hạn để toàn án cấp sơ thẩm chuẩn bị xét xử đối với vụ án dân sự là 4 tháng. Nếu là vụ án có tính chất phức tạp thì tòa có thể gia hạn, nhưng thời gian gia hạn cũng không quá 2 tháng, tức là trong thời hạn 6 tháng thẩm phán phải mở phiên tòa để xét xử.
Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu có các căn cứ để hoãn hoặc tạm ngừng phiên tòa thì thời hạn này cũng không quá 1 tháng kể từ khi có quyết định hoãn phiên tòa, tạm ngừng phiên tòa thì Tòa án phải mở lại phiên tòa căn cứ theo Khoản 1 Điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Như vậy theo luật sư Thảo Nguyên, tính từ thời điểm ngày 5/4/2017 TAND huyện Bình Chánh ra thông báo thụ ký vụ án do thẩm phán Loan giải quyết thì muộn nhất đến tháng 10/2017 tòa sẽ phải mở phiên tòa để xét xử, trong khi đây là vụ án tương đối đơn giản. Tuy nhiên mãi đến gần 2 năm sau thẩm phán Loan mới tiến hành một vài động tác tố tụng, là vi phạm nghiêm trọng Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Hiện nay, vụ kiện đã được thụ lý lại từ ngày 21/6/2019, cũng đã hơn 6 tháng, vì thế nếu tòa không xét xử ngay thì lại tiếp tục vi phạm về thời hạn xét xử theo quy định.
Anh Duy - Lâm Thanh Phong