Trách nhiệm pháp lí trong vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Quảng Nam
Thông tin vụ việc, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào lúc 4 giờ ngày 14/2/2023, tại ngã giao nhau ở đường Võ Chí Công và đường dẫn xuống cảng Tam Hiệp (thuộc xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Thời điểm trên, xe khách 76B-006.60, do ông Phạm Đức H (48 tuổi, trú TP Quảng Ngãi) điều khiển chở theo 21 người từ Quảng Ngãi đi Đà Nẵng đã va chạm với xe đầu kéo 92H-004.33. Hậu quả khiến 6 người tử vong tại chỗ, 4 người tử vong tại bệnh viện và hơn 10 người bị thương đang được điều trị...
Công an tỉnh Quảng Nam hiện đang điều tra làm rõ nguyên nhân. Bước đầu xác định, đường Võ Chí Công có biển báo cấm xe tải, xe khách và hạn chế tốc độ dưới 60km/h. Tuy nhiên, dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, thời điểm gặp nạn, xe khách chạy tốc độ 67-69 km/giờ, vượt quá tốc độ cho phép, chở vượt số người cho phép…
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến nhiều người chết, nhiều người bị thương và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Do đó, cùng với việc cứu giúp người bị nạn, cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ rõ nguyên nhân vụ tai nạn để xử lí theo quy định của pháp luật.
Thông thường trong một vụ tai nạn giao thông sẽ ít nhất một bên có lỗi. Nếu các bên tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông đường bộ đi đúng làn đường, đúng phần đường, đúng tốc độ, chú ý quan sát, làm chủ tốc độ thì rất hiếm khi xảy ra tai nạn giao thông, trừ trường hợp sự cố do thời tiết hoặc do yếu tố kĩ thuật.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì xe khách 16 chỗ, theo quy định chỉ được chở tối đa 19 người bao gồm lái xe và phụ xe. Tuy nhiên, chiếc xe này chở 21 người, vượt quá số người theo quy định. Ngoài ra, tốc độ khi xảy ra va chạm 69 km/h, đoạn đường này chỉ cho phép chạy 60 km/h.
Có thể thấy, với thông tin ban đầu, xe chở khách có nhiều dấu hiệu vi phạm, nghiêm trọng nhất là vi phạm chạy quá tốc độ. Vụ tai nạn là do va chạm giữa xe khách và xe đầu kéo. Thông tin ban đầu cho thấy người lái xe khách cũng đã tử vong, bởi vậy không thể truy cứu trách nhiệm đối với người lái xe khách kể cả trong trường hợp người này có lỗi dẫn đến vụ tai nạn xảy ra.
Đối với người lái xe đầu kéo, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ chiếc xe này có chạy đúng phần đường, đúng làn đường, đúng tốc độ hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy chiếc xe này đã chạy lấn làn, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn (lỗi hỗn hợp), người lái xe đầu kéo sẽ bị xử lí theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Về nguyên tắc, người lái xe nào có lỗi dẫn đến vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả chết người, người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp tai nạn do va chạm hai xe ô tô hậu quả nghiêm trọng nhưng người có lỗi đã tử vong, người lái xe còn lại không có lỗi, trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra. Trường hợp cả hai bên đều có lỗi, có thể sẽ khởi tố hình sự để xử lí đối với lái xe cả hai bên...
Ngoài việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với người lái xe có lỗi, còn sống, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần đối với người bị thương tích. Đối với nạn nhân tử vong, phải bồi thường chi phí mai táng và tiền cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật…
Nguyên nhân vụ tai nạn là yếu tố quan trọng để quyết định đến việc có khởi tố vụ án hình sự hay không, xác định trách nhiệm pháp lí của các tổ chức, cá nhân có liên quan như thế nào, đồng thời là yếu tố để thực hiện các giải pháp phòng ngừa vi phạm giao thông.