Về dự án KDC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM: Luật sư nói gì!?
Dự án (DA) Khu dân cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. HCM, do ông Lê Đức Giảng, ông Nguyễn Văn Thành là chủ đầu tư đã dần lộ ra sự bất ổn, gây hoang mang cho người dân, có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để làm rõ hơn vụ việc, chúng tôi đã có buổi trao đổi với luật sư Lê Tấn Sinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV LTS LAW, dưới góc nhìn pháp lý (Báo KD&PL ngày 26/12/2019 đã phản ánh).
PV: Thưa luật sư, điều kiện để có thể thực hiện phân lô, bán nền trong DA phát triển nhà ở theo quy định pháp luật?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, các DA đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) dưới hình thức phân lô, bán nền khi đáp ứng các điều kiện:
1. Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện;
2. Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm: các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt;
3. DA phải đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực và cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải;
4. Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của DA: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai;
5. DA thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng QSDĐ dưới hình thức phân lô, bán nền tại các khu vực không nằm trong địa bàn các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị...
PV: Luật sư đánh giá như thế nào về tính pháp lý của Dự án Khu dân cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. HCM?
Trả lời: Theo tôi được biết, DA Khu dân cư Vĩnh Lộc B đến nay vẫn chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện DA đầu tư, chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt, chưa có quyết định giao đất hay cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của DA… Như vậy, DA không đáp ứng được các điều kiện để được chuyển nhượng QSDĐ dưới hình thức phân lô, bán nền theo quy định.
PV: Luật sư có thể cho biết hiện nay Nhà nước đã có những biện pháp cụ thể nào để ngăn chặn một số cá nhân, tổ chức thực hiện việc phân lô, bán nền trái pháp luật để trục lợi bất chính?
Trả lời: Thời gian gần đây, TP.HCM, đã có những động thái tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các DA phát triển nhà ở trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. TP.HCM đã tiến hành khởi tố, điều tra một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà điểm chung của các vụ án này là các đối tượng sử dụng thủ đoạn lập DA phát triển nhà ở trái phép, rồi sau đó chuyển nhượng đất nền cho nhiều người để trục lợi bất chính…
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1684/BXD-QLN ngày 19/7/2019, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường công tác quản lý để bảo đảm ổn định thị trường bất động sản (BĐS), thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh BĐS.
PV: Hiện nay, có nhiều người tố cáo ông Nguyễn Văn Thành và ông Lê Đức Giảng đã sử dụng pháp nhân là Công ty TNHH Dịch vụ Đo đạc Xây dựng Tư vấn Bất động sản Hoàng Thành, lập DA Khu dân cư Vĩnh Lộc B, rồi chuyển nhượng cho người dân thông qua việc ký hợp đồng đặt cọc, để lừa đảo, trục lợi bất chính. Ý kiến của luật sư về vấn đề này!?
Trả lời: Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang xác minh, xử lý theo quy định pháp luật và làm rõ những ai đã bao che, tiếp tay trong DA này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.