Vụ 'tranh chấp QSDĐ' ở Đắk Nông: Kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy 2 bản án?
Bà Bùi Thị Chân vừa có đơn gửi Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị Bản án phúc thẩm số 21/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của TAND tỉnh Đắk Nông, do bản án tuyên có dấu hiệu không đúng quy định của pháp luật...
Từ nội dung vụ việc...
Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Chân (ở thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết: Năm 1997, bà từ Hà Tĩnh vào thôn 7, xã Đắk Nia, huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk (nay là tổ 5, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) để làm ăn sinh sống. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đất để canh tác, năm 1998, bà được già làng Ma-Kam cho một mảnh đất để canh tác. Sau đó, năm 2002, bà Chân có nhận chuyển nhượng lại một mảnh đất của ông Nguyễn Văn Đường (tổ 5, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa) trị giá là 5 triệu đồng.
Bà Bùi Thị Chân vừa có đơn gửi Chánh án TANDCC tại TP HCM kháng nghị Bản án phúc thẩm. |
Số tiền mua đất của ông Đường đã được bà trả hết. Khi mua, đất còn là rừng chồi, trên đất không có cây cối hay tài sản gì khác. Việc mua bán có giấy viết tay với nhau, không thông qua cấp có thẩm quyền xác nhận, khi nhận chuyển nhượng đất có ông Nguyễn Duy Kiểm chứng kiến. Ngoài ra, bà Chân còn khai hoang thêm được một diện tích đất nữa, cứ thế sử dụng, xây dựng nhà và các công trình phụ trên đất.
Năm 2006, bà Chân làm hộ khẩu và kê khai đất của gia đình mình đang sử dụng ổn định. Bằng chứng để chứng minh mảnh đất đang tranh chấp thuộc về bà Chân nữa là: Năm 2008, Công ty Thủy điện Việt Nguyên thu hồi của bà 305m2 đất, bà đã kê khai và nhận được 8.400 đồng tiền bồi thường. Năm 2009, Công ty Thủy điện Đắk Muông thông báo thu hồi 4.690m2, bà cũng đã kê khai.
Ngày 30/12/2015, Công ty Thủy điện Á Đông có thông báo thu hồi 375,5m2, để làm móng trụ và đường dây điện 110Kv đi qua, bà là người trực tiếp kê khai, đứng tên làm các thủ tục và xác minh nguồn gốc đất. Ngày 16/01/2016, bà Chân được nhận số tiền bồi thường là 55 triệu đồng.
Năm 2011, do có mâu thuẫn với ông Đường (có đất liền kề), nên bà Chân đã rao bán. Tuy nhiên, vợ chồng ông Đường đã không cho bà bán và tuyên bố, chỉ 3 gia đình liên kề mới được mua, không được bán cho người khác. Tiếp đó, ngày 3/9/2011, vợ chồng ông Đường đã sang nhà bà, hỏi mua lại toàn bộ diện tích rẫy trên, với giá 230 triệu đồng, nhưng bà đã không đồng ý. Lúc này, có ông Bùi Văn Thái, bà Đàm Thị Ty, bà Phạm Thị Hoa, ông Lâm Bá Hai đều chứng kiến. Sau đó, ngày 6/9/2011, bà Chân đã chuyển nhượng toàn bộ mảnh đất rẫy này (diện tích khoảng 2,5ha) và tài sản trên đất đang sử dụng ổn định cho bà Phạm Thị Hoa. Từ đó, bà Hoa canh tác, trồng cây cho đến ngày hôm nay.
Cũng theo bà Chân, do vợ chồng ông Đường không mua được mảnh đất trên, nên đã âm mưu làm giấy tờ giả mạo: Năm 2011, ông Đường có đưa ra một giấy mượn đất, ghi ngày 11/10/2002, với nội dung, ông Đường cho ông Hoàng Minh Tuyến (hay còn gọi là Hoàng Minh Yên) và bà Chân mượn đất (ông Tuyến là người có thời gian chung sống như vợ chồng với bà Chân), thời gian mượn trong vòng 10 năm. Sau đó, ông Đường đã làm đơn khởi kiện đòi đất của bà.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, trên giấy mượn đất không có chữ ký (hoặc điểm chỉ) của bà, mặc dù bà là người biết chữ, đọc và viết thành thạo. Trong khi đó, do mâu thuẫn, ông Tuyến đã đi khỏi nhà bà từ lâu, giấy tờ được lập từ khi nào, bà Chân cũng không hề được biết, bà không ký vào giấy mượn đất này.
Ngoài ra, bà Lê Thị Tình (chị dâu của ông Tuyến) cho biết thêm: Năm 1997, gia đình bà vào Tây nguyên lập nghiệp. Sau đó, năm 1998, ông Yên cũng theo vào. Sau khi lập nghiệp được một thời gian, ông Yên có quen với bà Chân, hai người có tình cảm, sau đó sinh sống như vợ chồng và sinh được một bé gái. Khi con gái được một tuổi, ông Yên bỏ về quê.
Mấy năm sau lại trở vào, rồi khoe với bà: Chị ơi, lần này em sẽ kiếm được một mớ tiền của ông Đường... Bà Tình hỏi tiền nào, thì ông Tuyến cho biết: Ông Đường bảo, em chỉ cần ký vào giấy mượn mảnh đất mẹ con nhà bà Chân đang ở, ông Đường sẽ đưa cho em một mớ tiền. Bên cạnh đó, bà Chân còn được các hộ trong thôn xác nhận, mảnh đất đang tranh chấp với ông Đường đúng là do được già làng Ma-Kam cho từ năm 1998, bà khai hoang thêm và chỉ mua nhà ông Đường một phần diện tích nhỏ. Tuy nhiên, tất cả các căn cứ pháp lý bà Chân đưa ra, đều bị 2 cấp Tòa của tỉnh Đắk Nông bác bỏ.
...Kháng nghị giám đốc thẩm và đề nghị hủy 2 bản án?
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Bản án sơ thẩm số 09/2015/DS-ST ngày 23/9/2019 của TAND thị xã Gia Nghĩa, xét xử việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Đường và bị đơn là bà Bùi Thị Chân, HĐXX nhận thấy, ông Đường đã không đưa ra được chứng cứ chứng minh mảnh đất đang kiện bà Chân là của mình. Vì vậy, HĐXX nhận định và đi đến thống nhất, không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Đường đòi bà Chân phải trả lại diện tích đất 1,5ha và các tài sản trên đất tại tổ 5, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Bà Bùi Thị Chân trao đổi sự việc với PV. |
Sau đó, ông Đường có đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh Đắk Nông đề nghị xét xử phúc thẩm. Mặc dù còn rất nhiều căn cứ pháp lý chưa được làm rõ, chỉ dựa vào lời khai của ông Đường, không rõ ràng, HĐXX lại tuyên chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Đường và Quyết định kháng nghị của Viện KSND tỉnh Đắk Nông, hủy bản án sơ thẩm số 09/2015/DS-ST ngày 23/9/2015 của TAND thị xã Gia Nghĩa, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND thị xã Gia Nghĩa giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Từ đó, Bản án số 02/2017/DS-ST ngày 23/01/2017 của TAND thị xã Gia Nghĩa lại quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của ông Đường, buộc bà Chân và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà là Phạm Thị Hoa phải trả 13.422m2 đất, có tứ cận như sau: Phía Đông giáp đường Đất, phía Nam giáp đất ông Đặng Ngọc Dũng và bà Lưu Thị Nhàn, phía Tây giáp suối, phía Bắc giáp đất ông Nguyễn Văn Đường, bà Nguyễn Thị Hằng và tài sản gắn liền với đất là 500 cây cà phê tại tổ 5, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho ông Đường.
Buộc ông Đường phải trả cho bà Chân trị giá 01 giếng đào 3.757.000 đồng và 1 nắp đậy trị giá 118.200 đồng; 463 cây cà phê có trị giá 84.971.558 đồng; 570 cây điều trị giá 75.327.000 đồng; 01 cây mít trị giá 200.000 đồng; 20 cây sầu riêng trị giá 4.020.000 đồng. Tổng số tiền ông Đường phải trả cho bà Chân là 168.393.758 đồng. Buộc bà Chân phải tháo dỡ 01 căn nhà trên đất có diện tích 52.25m2; sân lát gạch tàu diện tích 12.22.m2.
Sau đó, bà Chân kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND thị xã Gia Nghĩa. Từ đó, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục mở phiên xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, tại Bản án phúc thẩm số 21/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của TAND tỉnh Đắk Nông lại y án Bản án Bản án số 02/2017/DS-ST ngày 23/01/2017 của TAND thị xã Gia Nghĩa, trong khi nhiều căn cứ pháp lý vẫn chưa được làm rõ trong quá trình xét xử.
Được biết, sau khi Bản án phúc thẩm số 21/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của TAND tỉnh Đắk Nông có hiệu lực pháp luật, bà Chân cho rằng, bản án không đúng với bản chất sự việc, xét xử không khách quan và vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên đã làm đơn kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, Báo đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM xem xét lại và đưa vụ án ra xét xử theo trình tự kháng nghị giám đốc thẩm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.