Xử phạt người dân 'ra đường không có lý do chính đáng' là có căn cứ
Theo Sở Tư pháp TP. HCM, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể xử phạt về hành vi ra ngoài/ra đường không có lý do chính đáng hoặc không cần thiết. Tuy nhiên, việc xử phạt của cơ quan chức năng đối với người “ra ngoài không có lý do chính đáng/cần thiết” thời gian qua là có căn cứ.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 16, thực hiện cách ly xã hội từ ngày 01/4, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu đề xuất xử lý đối với hành vi “ra ngoài không có lý do chính đáng”.
Ngày 10/4, Sở Tư pháp TP. HCM đã có văn bản tham mưu về vấn đề này. Theo Sở Tư pháp TP. HCM, vừa qua một số địa phương cũng đã tiến hành xử phạt khi người dân ra ngoài không có lý do chính đáng/cần thiết.
Ở Hà Nội, chiều 03/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Theo đó, từ ngày ngày 04/4, những trường hợp không có lý do chính đáng đi ra ngoài sẽ bị xử phạt. Ngày 05/4, Công an quận Hà Đông, TP. Hà Nội đã lập biên bản, xử phạt hành chính đối với 5 cá nhân ra đường không lý do cần thiết, mỗi người bị phạt 200.000 đồng.
Ngoài ra, các tổ công tác làm nhiệm vụ xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã xử lý 3 trường hợp tụ tập đông người, không có việc cần thiết ra đường tại phường Lý Thái Tổ với mức phạt 22,5 triệu đồng.
Theo Sở Tư pháp TP. HCM, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể xử phạt về hành vi ra ngoài/ra đường không có lý do chính đáng hoặc không cần thiết. Tuy nhiên, việc xử phạt của cơ quan chức năng đối với người “ra ngoài không có lý do chính đáng/cần thiết” thời gian qua là có căn cứ. Các cơ quan này không xử phạt trực tiếp hành vi “ra ngoài không có lý do chính đáng/cần thiết” mà là xử phạt người dân ra ngoài không có lý do chính đáng/cần thiết trong thời gian cách ly xã hội.
Tại Chỉ thị 16, Thủ tướng đã nêu rõ người dân có thể ra ngoài “trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động; và các trường hợp khẩn cấp khác”.
Vì vậy, việc người dân ra ngoài không có lý do chính đáng/cần thiết có thể cấu thành hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” hoặc hành vi “không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người” được quy định tại Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000.
Từ đó, các địa phương đã áp dụng các điều khoản quy định xử lý các hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch tại Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP để xử phạt những cá nhân có hành vi “ra ngoài không có lý do chính đáng/cần thiết”.
Do đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm đã được quy định tại Nghị định 176.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Hiện nay chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm quy định về cách ly xã hội nên người nào ra khỏi nhà trái quy định thì được xác định là hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân”. Hành vi này có mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
“Quy định về xử phạt đối với người ra đường trái quy định là hoàn toàn có căn cứ, có cơ sở pháp lý và có những mức chế tài cụ thể theo quy định của pháp luật. Việc tổ chức thực hiện các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng các chế tài hành chính, thậm chí các chế tài hình sự đối với các hành vi vi phạm là cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như để đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng xã hội trong việc phòng chống dịch bệnh”, Luật sư Cường nói.