Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 18/02/2020 02:13 (GMT+7)

Xử phạt thế nào đối với các đối tượng bỏ trốn khỏi khu cách ly?

Dịch bệnh do Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Thế nhưng, nhiều trường hợp còn tự ý bỏ trốn khỏi khu cách ly khiến dư luận bức xúc. Hành vi này có thể đối mặt với mức xử phạt 10 triệu đồng hoặc phạt tù tới 12 năm.

Covid-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, dịch bệnh lan rộng tại nhiều thành phố của Trung Quốc. 29 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến sáng ngày 17/2, trên thế giới có 71.332 người mắc, 1.775 người tử vong. Ở Việt Nam ghi nhận có 16 người dương tính với Covid-19, trong đó, 7 người đã được chữa khỏi và đã xuất viện.

Vĩnh Phúc lập các chốt để ngăn chặn dịch. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Trong khi cả nước đang chung tay phòng, chống dịch bệnh do Covid-19, thì một số trường hợp đã tự ý bỏ đi khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về việc cách ly đối với bản thân gây bức xúc trong dư luận. Đây là hành vi đi ngược lại ý chí, quyết tâm của toàn dân tộc trước "đại dịch" đang hoành hành.

Mới đây, ông Từ Hữu Hà - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết, trên địa bàn vừa cách ly 13 trường hợp theo dõi tại nhà để chờ kết quả xét nghiệm Covid-19. Nguyên nhân cách ly 13 trường hợp trên là do tiếp xúc với anh Nguyễn Văn Thuyết, trú tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Được biết, anh Thuyết đã trốn khỏi khu cách ly ở xã Sơn Lôi để lên thăm nhà bạn gái ở xã Bình Lư (Tam Đường).

Trước đó, sáng 10/2, tại khu vực cách ly phòng chống dịch Covid-19 ở Trung đoàn 123 (Lạng Sơn), lực lượng chức năng phát hiện 3 phụ nữ vắng mặt. Sau khi rà soát ở khu vực cách ly thì phát hiện 2 trong 3 trường hợp trên đi nhầm buồng. Riêng bà N.T.D đã bỏ trốn.

Khu vực cách ly đặc biệt cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. (Ảnh minh họa)

Nhiều người cho rằng, việc bỏ trốn khỏi khu vực cách ly theo dõi virus Corona chủng mới (Covid-19) là rất nguy hiểm, một hành động thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo Điều 10 - Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế. Cụ thể:

"Điều 10. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A".

Ngoài ra, nếu hành vi bỏ trốn khỏi nơi cách ly dẫn đến hậu quả là làm lây lan dịch Covid-19 ra xã hội thì người trốn khỏi nơi cách ly còn bị đối mặt với án phạt tù lên đến 12 năm. Cụ thể, theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự:

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Nếu hành vi này làm chết người thì mức phạt lên đến 10 năm, chết từ 02 người trở lên thì mức phạt là 10 - 12 năm tù giam.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

https://kinhtemoitruong.vn/xu-phat-the-nao-doi-voi-cac-doi-tuong-bo-tron-khoi-khu-cach-ly-14052.html

Cùng chuyên mục

Thẻ Căn cước có thể thay thế hộ chiếu khi xuất cảnh hay không?
Việt Nam và những nước nào có ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân hai nước được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau không, pháp luật hiện nay quy định thế nào về vấn đề này?
06 trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe từ ngày 01/6/2024
Ngày 31/3/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.
Trường hợp không kháng cáo vẫn được giảm án
Pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính đều quy định việc xét xử được diễn ra với hai cấp xét xử, bao gồm sơ thẩm và phúc thẩm. Vậy, trong quá trình xét xử phúc thẩm nếu bị cáo không kháng cáo và bị cáo đó cũng không bị kháng cáo, kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo đó không? Hay chỉ xem xét đến những bị cáo có kháng cáo, kháng nghị?
Công dân bị tạm hoãn xuất cảnh khi nào?
Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Tuy nhiên, quyền xuất cảnh ra nước ngoài của công dân cũng bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định.

Tin mới