Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 17/12/2019 12:32 (GMT+7)

Bà chủ Gia Trang quán (Bình Chánh, TP.HCM): 'Mong các cấp chính quyền lắng nghe tôi nói'

Dù có thể áp các quy định khác có lợi, tạo lợi ích kinh tế cho người dân nhưng UBND huyện Bình Chánh vẫn không công nhận và quyết tâm cưỡng chế khối tài sản tiền tỷ gắn liền trên đất của Gia Trang quán...

Như vậy, nếu việc cưỡng chế được thực hiện làm lãng phí nguồn nhân lực của nhà nước và tài sản của người dân thì có nên hay không? Phóng viên đã tìm gặp chị Trần Thị Minh Trang là chủ sở hữu Gia Trang quán (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), tại buổi tiếp xúc chị Trang đã trưng ra nhiều hồ sơ, tài liệu mà chị và các luật sư đang tư vấn cho chị cho rằng: “Công trình của chị nếu cho tồn tại thì sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn là theo quyết định cưỡng chế của huyện và tất nhiên vẫn trong phạm vi sự cho phép của pháp luật”.

Các phòng nghỉ được thiết kế lại từ chuồng chăn nuôi.

* Xin chị cho biết thông tin tổng quát tóm tắt về nguồn gốc miếng đất từ trước khi có Gia Trang quán?

- Các công trình trên đất có nguồn gốc từ trước những năm 80, sau đó vào năm 1999 tôi cùng chồng có mua riêng lẻ từng miếng đất của người dân xung quanh đó. Ban đầu tôi cùng gia đình chăn nuôi gia súc và trồng trọt các loại cây ăn quả, từ sự vận động của các cấp chính quyền vì mùi hôi từ trang trại, tôi chuyển mô hình kinh doanh sang quán ăn. Tới năm 2005 tôi có mua thêm những miếng đất xung quanh để hợp thửa và cải tạo những công trình (chuồng heo, chuồng gà) có sẵn thành phòng nghỉ, homestay.

* Vậy các cấp chính quyền địa phương có nắm được các công trình trên đã hiện hữu trên đất từ trước khi chị mua không?

- Năm đời chủ tịch xã Tân Quý Tây đều công nhận khi họ về tiếp quản địa phương đã có các công trình từ trước, có những công trình được xã xác nhận từ những năm 1980, 1999, 2001. Tôi tiếp quản và cải tạo, nâng cấp để phục vụ cho việc kinh doanh.

Khu vực ao nuôi cá.

* Vậy nếu các công trình trên đã có sẵn thì trước khi chị mua đất có phải các chủ đất trước đã có hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cụ thể họ đã xây các công trình trên đất nông nghiệp?

- Thưa đúng, vì tôi đâu có chặt cây, san lấp, xây nhà trên đất nông nghiệp. Tôi tiếp quản, sửa chữa và thay đổi. Nếu có sai tôi chỉ thay đổi công năng khi chưa được phép. Mà quy định thời điểm đó là nhà nước khuyến khích nông nghiệp, nên việc tôi sửa chữa, cải tạo di dời một số hạng mục nhỏ trong khuôn viên khu đất để khu chuồng trại được quy mô và dễ quản lý. Giống như thời đó tôi áp dụng mô hình vườn ao chuồng (VAC) vào trang trại, hầu như nhà nào làm nông đều kết hợp mô hình VAC.

Đây cũng là mô hình trang trại quen thuộc của nông dân Việt Nam, là một mô hình thâm canh sinh học cao, trong đó trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm là chính, có quan hệ khắng khít với nhau, tạo nên một một hệ thống canh tác tổng thể, giúp sử dụng hợp lý và tốt hơn nguồn đất đai, nguồn nước và năng lượng mặt trời để đạt tới hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp.

Như vậy nhà nước không hề quy định cụ thể vị trí chính xác của từng cái ao, cái chuồng hoặc vườn, người dân như thế tự sắp xếp vị trí cho phù hợp để sản xuất mang lại hiệu quả tối đa nhất. Và tất nhiên kèm theo đó là một ngôi nhà để giữ trang trại, có người xây lớn để cả gia đình ở, có người xây nhỏ chỉ vừa đủ để canh trang trại.

* Trong quyết định 798/QĐ-KPHQ mà UBND huyện Bình Chánh ban hành trong đó có nêu rõ chị vi phạm 4 hạng mục cùng một hành vi: tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và hiện trạng tại thời điểm này ở Gia Trang quán là: cột bê tông, gỗ, sắt, mái ngói, tole, bạt kéo, vách gạch, sân xi măng, sân gạch. Chị cho biết thêm chi tiết về các tên gọi trên? Và điều khoản buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, có phải sẽ khôi phục đúng hiện trạng, đúng thời điểm từng miếng đất mà chủ trước đã bán cho chị là: vườn có nhà, đất ruộng có nhà, ao có nhà hay sẽ như thế nào?

- Đây là một sự việc mà tôi cảm nhận có sự thiếu công bằng ở các cấp, khởi nguồn là ở cấp xã. Trong ba biên bản làm việc số 01,02,23 mà ủy ban xã đã lập trong khi không có mặt tôi và không hề xuống địa chỉ được cho là vi phạm, tại các biên bản đó thì không công nhận các công trình của tôi là tài sản gắn liền trên đất và cho rằng các khu nhà hàng, phòng nghỉ, hồ bơi, văn phòng, nhà ở cho nhân viên là các cột bê tông, mái ngói, mái tôn,vách gạch “vô tri vô giác”, không ra hình hài. Về phần khôi phục, bên Ủy ban huyện không hề ra văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề trên, và tôi bị động hoàn toàn. Tôi không biết hiện trạng ban đầu là như thế nào và được tính ở thời điểm nào? Chỉ yêu cầu tôi tự tháo dỡ hầu hết cả gia tài mà tôi đã gây dựng cả đời mình.

Khu vực hồ bơi.

* Chị có biết kế hoạch quy hoạch khu vực khu đất hiện tại ở Gia Trang quán? Nếu như việc cưỡng chế thực hiện xong thì các cấp chính quyền sẽ cho phép chị làm gì trên mảnh đất đó?

- Theo quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 2591 ngày 26/05/2014 và bản vẽ phụ lục hợp đồng số: 00589/2018 công nhận hầu hết khu đất tại Gia Trang quán là đất ở nông thôn. Như vậy nếu tôi thực hiện điều khoản buộc khôi phục hiện trạng đất và xin chuyển mục đích sử dụng đất thì tôi sẽ lại được phép xây nhà trở lại.

* Chị và các luật sư có nói nếu áp những quy định khác thì công trình của chị sẽ được công nhận và cho tồn tại theo đúng quy định của pháp luật? Chị cho biết đó là những điều khoản nào? Tại sao huyện Bình Chánh vẫn cương quyết thực hiện việc cưỡng chế trong khi còn đâu đó những quy định có thể gỡ rối và hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân giữ lại tài sản để làm kinh tế?

- Tôi xin bỏ ngỏ câu trả lời trên và sẽ có văn bản gửi cho phóng viên kèm theo phân tích của các luật sư đang tham gia tư vấn cho Gia Trang quán. Tôi luôn đồng tình và ủng hộ các quyết định của huyện, tôi vẫn có niềm tin huyện Bình Chánh không sai vì họ xử lý các trường hợp này hàng giờ, hàng ngày. Nếu họ sai thì sau khi đập bỏ tài sản của tôi thì không lẽ họ lại bồi thường cho tôi...?

Toàn cảnh Gia Trang quán.

Sẽ không dễ dàng để thu lại chi phí cưỡng chế vào khoảng 500 triệu đồng, trong khi người dân vừa bị cưỡng chế khối tài sản hàng chục tỷ đồng, như vậy nếu như có một lối thoát, một phương án hài hòa cả đôi bên trong sự cho phép của pháp luật thì sẽ tránh được tình trạng lãng phí ngân sách, nhân lực và tài sản của dân một cách vô lý. Và câu hỏi ở đây cũng được rất nhiều bạn đọc quan tâm: Đập để làm gì? Trong khi các khu vực xung quanh người dân mua đất cho mục đích kinh doanh, phân lô bán nền và để cho đất hoang tàn, thì một công trình quy mô, chỉnh trang, tạo được công ăn việc làm, được đích thân bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy đến tận nơi xem xét và có lời khen vì đã sử dụng đất hiệu quả. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới