Bình Dương: Bồi thường có thỏa đáng đất bị thu hồi của đơn vị kinh tế tập thể?
Một đơn vị kinh tế tập thể có đất sản xuất bị thu hồi đang lâm vào cảnh khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh, thiếu đất đai canh tác và giải quyết việc làm cho lao động. Đơn vị đã khiếu nại kéo dài, nhưng sự việc chưa giải quyết thỏa đáng.
Thực hiện chủ trương di dân xây dựng kinh tế mới, năm 1979 Hợp tác xã nông nghiệp Tân Ba (HTX Tân Ba), thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé (nay thuộc xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) được thành lập. Bằng nguồn tiền do xã viên đóng góp và công sức lao động thủ công của người dân, HTX Tân Ba đã khai hoang 155,49 ha đất là rừng tái sinh và những trảng cây bụi rậm rạp trên vùng đất dốc thoai thoải.
Ngày 27/3/1979, UBND tỉnh Sông Bé có quyết định số 61/QĐ-UBND cấp phép sử dụng đất cho HTX Tân Ba với diện tích 155,49 ha để sản xuất cây công nghiệp và hoa màu. Ngày 4/11/2003, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 325/QĐ-UBND cấp quyền sử dụng đất 65,711 ha đất sản xuất cho HTX Tân Ba.
Vùng đất sản xuất của HTX Nông nghiệp Tân Ba bị thu hồi xây dựng dân cư mới của huyện Bắc Tân Uyên. |
Trong quyết định ghi rõ, "Giao đất cho HTX NN Tân Ba thuê đất, tạm thời cho HTX nợ khi nào Bộ Tài chính thông báo giá thì HTX phải nộp tiền thuê đất tính theo thời điểm được cấp quyền sử dụng đất". Đối với diện tích đất còn lại 879,046 m2 nằm trong tổng thể diện tích đất 155,49 ha do trước đây HTX Tân Ba khai hoang bị nhiều người lấn chiếm, đã được UBND huyện Tân Uyên giao cho nhiều hộ dân ở địa phương sử dụng. Qua nhiều năm tập trung công sức tiền của đầu tư cải tạo, bồi bổ đất, HTX đã phát triển những vườn cao su đưa vào kinh doanh có hiệu quả, cải thiện đời sống cho các gia đình xã viên.
Năm 2015, tỉnh Bình Dương thực hiện Dự án mở rộng đường DH 411 và xây dựng trụ sở Công an huyện Bắc Tân Uyên (được tách ra từ Công an huyện Tân Uyên) trên vùng đất canh tác của HTX Tân Ba với diện tích gần 6 ha. Trong dự án này, có 7.990,7 m2 đất mở rộng đường và 51.538,8 m2 xây dựng trụ sở công an huyện. Với việc thu hồi đất sản xuất, HTX Tân Ba được hỗ trợ với mức 120.000 đồng/m2 đất.
Năm 2017, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục thu hồi đất canh tác của HTX Tân Ba để mở rộng trụ sở Công an huyện Bắc Tân Uyên (xây dựng khu Nhà tạm giữ tang vật và phương tiện vi phạm hành chính) diện tích 1,5 ha, xây dựng khu Tái định cư của huyện với diện tích trên 24,39 ha. Toàn bộ khu đất bị thu hồi là những thửa đất do 12 hộ xã viên nhận khoán sản xuất với hợp tác xã và thửa đất một hộ cá thể có nguồn gốc là đất năm 1979 HTX Tân Ba khai hoang 155,49 ha. Giá bồi thường hỗ trợ về thu hồi đất sản xuất cho đơn vị kinh tế tập thể này là 10.000 đồng/m2.
Điều đáng nói rằng, 12 hộ xã viên nhận đất, hợp đồng sản xuất với HTX Tân An thì được bồi thường, hỗ trợ số tiền theo đơn giá 128.000 đồng/m2, cao gấp 12,8 lần tiền bồi thường hỗ trợ "chủ đất". Trong số đó, có 4 hộ xã viên mới nhận hợp đồng sản xuất với hợp tác xã từ năm 2010. Đối với hộ bà Chiêm Lạc, có đất kế bên với nguồn gốc là đất của HTX Tân Ba khai hoang trước đây, nay bị thu hồi đã được hỗ trợ tiền với đơn giá từ 320.000 đến 410.000 đồng/ m 2 đất, cao hơn tiền hỗ trợ đơn vị kinh tế tập thể từ 32 đến 41 lần.
Trước đây, có 2 gia đình nông dân là Võ Văn Trí và Võ Thanh Liêm nhận hợp đồng giao khoán đất sản xuất với HTX Tân Ba trồng cao su với thời gian nhận khoán từ năm 2004 đến 2015. Hết hạn hợp đồng, trong những năm 2015, 2016, 2017, HTX Tân Ba có thu tiền giao khoán sản phẩm đối với hộ dân này. Năm 2017, hai hộ dân này có đất bị thu hồi để xây dựng các công trình công cộng. Là đất do HTX Tân Ba quản lý sử dụng, nhưng 2 hộ dân này lại được ưu ái nhận tiền bồi thường về đất và hỗ trợ với giá 128.000 đồng/m2 .
Nhận thấy quá thiệt thòi cho đơn vị kinh tế tập thể, trong 2 năm nay ông Dương Thế Phùng (SN 1963) Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Ba, đại diện cho 222 xã viên của HTX khiếu nại lên các cấp chính quyền của tỉnh Bình Dương yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng về việc đất sản xuất bị thu hồi. Đơn vị kiến nghị thu hồi khoản tiền Nhà nước đã bồi thường cho 2 hộ dân nhận khoán sản xuất với HTX (nhưng đã hết hợp đồng) để phân chia lại cho xã viên hợp lý thông qua Đại hội thành viên năm 2019.
Trong đơn khiếu nại của mình, HTX Tân Ba yêu cầu được hỗ trợ tiền sau khi bị thu hồi đất sản xuất, với giá 320.000 đến 410.000 đồng/m 2, tương đương với giá hỗ trợ khi bị thu hồi đối đất với dân lao động cá thể sản xuất kế bên, trên vùng đất 879.046 m 2 trước đây do đơn vị kinh tế tập thể khai hoang cải tạo. (Diện tích đất này do UBND tỉnh Tân Uyên (cũ) cấp lại cho nhiều hộ dân địa phương sử dụng).
Sau khi nhận được nhiều đơn khiếu nại của HTX Tân Ba, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã trực tiếp xác minh xem xét giải quyết sự việc. UBND huyện Bắc Tân Uyên, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức những cuộc đối thoại giữa đại diện chính quyền địa phương cùng một số cơ quan chức năng với người khiếu nại là HTX Tân Ba. Trong các cuộc đối thoại đó, HTX Tân Ba vẫn không đồng ý với nội dung giải quyết của tỉnh.
Ngày 14/1/2019, UBND huyện Bắc Tân Uyên ra Quyết định số 177/QĐ-UBND "Về việc giải quyết khiếu nại của HTX Nông nghiệp Tân Ba" với nội dung "Giữ nguyên Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 17/10/2018 của UBND huyện Bắc Tân Uyên về việc phê duyệt mức bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại thuộc dự án Mở rộng Trụ sở công an huyện Bắc Tân Uyên".
Ngày 11/11/2019, UBND tinh Bình Dương đã có Quyết định số 3327/QĐ "Về việc giải quyết đơn của ông Dương Thế Phùng (đại điện HTX nông nghiệp Tân Ba) khiếu nại quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 14/1/2019 của Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên (lần 2). Nội dung quyết định ghi rõ: "Bác khiếu nại của ông Dương Thế Phùng (đại diện HTX Nông nghiệp Tân Ba) đối với Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 14/1/2019 của Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên và yêu cầu giải quyết bồi thường về đất theo đơn giá 320.000 đồng/m 2 đến 410.000 đồng/m 2 cho Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Ba".
Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Ba đã bỏ vốn tự có cùng công sức tập trung khai hoang, nhưng chỉ được cấp quyền sử dụng đất chưa đến 40% diện tích đất (65,711 ha) trước đây UBND tỉnh Sông Bé đã cấp phép sử dụng (155,49 ha) đã là sự bất cập.
Trong suốt 40 năm, HTX Tân Ba đã khắc phục mọi khó khăn, tập trung cải tạo, giữ gìn tài nguyên đất để phát triển sản xuất cây công nghiệp, làm tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và chăm lo cuộc sống người lao động, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Khi có chủ trương thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng, đơn vị đã giao đất đai và tài sản trên đất cho Nhà nước.
Đối với đơn vị kinh tế tập thể là chủ thể quản lý sử dụng đất đai, tài sản trên đất, nhưng được bồi thường hỗ trợ số tiền đất bị thu hồi chỉ bằng gần 8% so với số tiền những xã viên nhận hợp đồng khoán sản xuất với hợp tác xã; trong khi đó, có một số gia đình xã viên mới nhận khoán sản xuất 7 năm và hộ dân ngoài ngoài hợp tác xã đã hết hợp đồng nhận khoán sản xuất 3 năm, nhưng vẫn nhận được tiền bồi thường hỗ trợ với đơn giá 128.000 đồng/m2 đất.
Thiệt thòi là quá lớn của tập thể Ban Giám đốc HTX Tân Ba cùng hàng trăm xã viên phải chịu, mà hiện nay đơn vị kinh tế tập thể này đang phát triển sản xuất trên vùng đất còn lại chỉ còn 35,6 ha. Với số lao động không có việc làm quá nhiều, hợp tác xã khó xoay xở trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là điều đáng quan tâm cần phải được giải quyết thỏa đáng.