Đắk Nông: Đất tranh chấp vẫn được cấp giấy chứng nhận!
Đất đang tranh chấp, thậm chí có nhiều diện tích đã khởi kiện ra tòa và có quyết định thi hành án nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đất đang tranh chấp vẫn được cấp giấy chứng nhận!
Ngày 01/03/2016, UBND tỉnh Đắk Nông có Quyết định số 291/QĐ-UBND về việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty TNHH MTV SX TM DV Bảo Châu.
Trong Quyết định nêu rõ, hủy tính pháp lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 122952; BA 122953 được UBND tỉnh Đăk Nông cấp ngày 02/7/2010 để cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BX 965980; BX 965981 cho Công ty TNHH MTV SX TM DV Bảo Châu (Công ty Bảo Châu). Tổng diện tích: 1.976.750,0 m2 đất tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty Bảo Châu nhằm mục đích sử dụng quản lý bảo vệ rừng: 968.850,0 m2 và đất trồng cao su: 990.800,0 m2, đất xây dựng cơ sở hạ tầng: 17.100 m2.
Ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cũng đã ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty Bảo Châu, số vào sổ cấp Giấy chứng nhận CT0 1744 với tổng diện tích 1.959.650,0 m2, tại tiểu khu 1537, địa chỉ khu đất xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Mục đích sử dụng là quản lý bảo vệ rừng và trồng cao su, thời gian sử dụng đến ngày 24/04/2060, nguồn gốc sử dụng Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Trên thực tế, diện tích đất mà ông Trương Thanh Tùng ký Giấy chứng nhận cho Công ty Bảo Châu là diện tích đất đang tranh chấp với hộ dân và người dân đang khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cũng như đang chờ đợi các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III)… sẽ được hưởng chính sách trên.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã ký công văn số 4988/UBND-NN về việc triển khai thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/09/2015 đề nghị các sở ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
Vậy mà không hiểu sao ông Trương Thanh Tùng lại ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Bảo Châu?! Sau đó, chính ông Tùng lại ký công văn số 5302/UBND-NC về việc giải quyết đơn của công dân gửi đến Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện Tuy Đức xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến đất đai trên địa bàn xã Đắk Ngo, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông?!
Không lẽ ông Tùng muốn vừa đánh trống, vừa thổi còi trên diện tích đất đang tranh chấp khi nội dung trong công văn trên ghi rõ: “Giao Thanh tra tỉnh chuyển đơn tố cáo của 56 hộ dân tố cáo Công ty TNHH MTV Hoàng Thiên, Công ty TNHH MTV Hoàng Khang Thịnh, Công ty Bảo Châu, Công ty Phạm Quốc cho Công an tỉnh tiếp tục xem xét giải quyết theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông”.
Bị truy tố vì xin dự ánrồibán đất cho dân
Điều đáng nói là, ngày 21/10/2013, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông phát ra cáo trạng số 87/CTr-VKS-P1 quyết định truy tố Phạm Thị Thu Hiền, sinh năm 1958, Giám đốc Công ty TNHH MTV SX TM DV Bảo Châu, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 139 Bộ luật hình sự”.
Nguyên nhân vào năm 2010, UBND tỉnh Đắk Nông có Quyết định cho Công ty Bảo Châu thuê 197,675 ha đất tại khoảnh 6, 7, 10 tại tiểu khu 1537 với quy hoạch trồng cao su 99,08 ha, quản lý bảo vệ rừng là 96,675 ha, xây dựng cơ bản, giao thông là 1,71 ha (Diện tích này nằm trọn trong diện tích 374,6 ha đất liên doanh liên kết với Công ty lâm nghiệp Quảng Tín). UBND tỉnh Đắk Nông cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Bảo Châu. Sau khi được thuê đất, bà Hiền tiếp tục bán cho các hộ dân để lấy tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, chứ không thực hiện dự án như cam kết với UBND tỉnh. Hiện nay, toàn bộ diện tích đất của Công ty Bảo Châu đã được bà Hiền bán lại cho một số hộ dân sản xuất và trồng các loại cây công nghiệp như cây điều, cây hồ tiêu, cây cà phê…
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành các văn bản và công văn chỉ đạo các Sở, ngành cũng như UBND huyện Tuy Đức xem xét tham mưu cho UBND nhân dân tỉnh Đắk Nông để giải quyết vụ việc tranh chấp đất giữa các hộ dân với Công ty Bảo Châu tại tiểu khu 1537 xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức nói riêng và việc người dân tranh chấp đất đai với các công ty khác trên địa bàn xã Đắk Ngo, xã Quảng Trực nói chung. Nhưng đến nay, các vụ việc khiếu nại, tố cáo giữa người dân và các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng người dân đi khiếu nại, tố cáo kéo dài, gây mất an ninh trật tự và một số kẻ xấu lợi dụng cơ hội để trục lợi cá nhân, lừa đảo mua, bán đất trên địa bàn…
Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông sớm vào cuộc xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.