Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 29/11/2019 09:12 (GMT+7)

Hưng Yên: Cần làm rõ nhiều vấn đề trong công tác quản lý thu chi đền cổ Đậu An

Hiện nhiều mặt trong công tác quản lý, tôn tạo, thu chi,… tại đền cổ Đậu An (Tiên Lữ, Hưng Yên) đang có dấu hiệu bị buông lỏng, thả nổi và nhiều điểm bất thường (?).

Đền Đậu An - Khu di tích lịch sử - văn hóa, thuộc địa phận thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Đền nằm trên mảnh đất hình đầu rồng, được bao bọc bởi hồ nước trong xanh in bóng những cây nhãn lồng cổ thụ, đền Đậu An là nơi thờ Ngọc hoàng Thượng đế, Ngũ Lão tiên ông và các vị Thiên tiên, Địa tiên. Đền Đậu An có quy mô bề thế, được khởi dựng từ khá sớm, với các hạng mục mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Hậu Lê đan xen thời Nguyễn.

Đền cổ Đậu An nơi thờ Ngọc Hoàng đại đế và các vị Thần tiên.

Nổi bật và đặc sắc nhất phải kể đến tòa tháp Cửu trùng bằng đất nung được xây dựng từ thời Lý – Trần. Tháp cao chín tầng biểu thị chín tầng mây cao vời vợi của chốn Cửu trùng Thiên. Đền Đậu An được xem như báu vật vô giá, không những của vùng đất Hưng Yên mà còn là của cả Việt Nam. Bởi vậy, đền cổ Đậu An là một trong những địa chỉ nổi tiếng linh ứng, hàng năm, có rất nhiều Phật tử trong và ngoài nước đến đây để dâng hương, tham quan và làm công đức.

Nhiều bất cập trong quản lý chi, sử dụng tiền công đức…?

Vừa qua, báo liên tục nhận được đơn thư tố cáo kèm nhiều chứng lý của công dân tại thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, cũng chính là nơi đang ngự của ngôi đền cổ Đậu An. Trong đơn, người dân tha thiết mong mỏi các cơ quan ngôn luận vào cuộc xác minh thông tin và lên tiếng để các cơ quan ban ngành làm rõ: “nhằm… trả lại sự công bằng, minh bạch và sự thanh tịnh cho đền, tránh để các cá nhân lợi dụng quyền quản lý, tự ý chi tiêu, tự tung tự tác, trục lợi cá nhân tại nơi linh thiêng của dân, của làng, của quốc gia…” - (Trích đơn).

Theo người đứng đơn tiết lộ, ông là một thương binh 4/4, nhiều năm trong hàng ngũ Đảng viên, hiện đang giữ chức vụ tại cả UBND xã An Viên và thôn An Xá; đồng thời cũng nằm trong thành phần Ban kiểm đếm tiền công đức của Đền Đậu An. 

Chiều 28/08/2019, khi có đầy đủ các thành phần trong ban kiểm đếm, mà chức vụ cao nhất là có ông Trần Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã An Viên - người được chủ tịch UBND xã An Viên- Phạm Sinh Mừng ủy quyền, ban quản lý Đền Đậu An thực hiện công tác kiểm đếm tiền công đức như thường lệ. Tổng số tiền sau kiểm đếm là khoảng gần 400 triệu đồng. Tuy nhiên, theo người dân, điều bất thường là ở chỗ: “…ông Nguyễn Ngọc Bình -Trưởng thôn An Xá - Phó ban di tích đền Đậu An, đã tự ý cầm ra ngoài 02 tập tiền mệnh giá 500 ngàn đồng và 02 tập tiền mệnh giá 50 ngàn đồng… đưa cho ông Hoàng Văn Dũng - thủ quỹ đền Đậu An với lý do: “Cất đi để trả những việc đã chi âm trước đây…”.

Theo Quy định của Nhà nước cũng như theo Quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên ban hành ngày 10/11/2017 về Nguyên tắc việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ cho các đền đã được xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh, tiền Công đức sau khi đã công khai kiểm đếm phải lập Biên Bản và gửi vào tài khoản của Đền hoặc Ngân hàng trên địa bàn, do Chủ tịch UBND xã làm chủ tài khoản và gửi trong thời điểm không quá 24h. Đồng thời, các việc cần chi như tu tạo, sửa chữa, sắm lễ, chi thù lao… đều phải lập Tờ trình trình UBND xã duyệt chi, sau đó mới được rút tiền từ tài khoản ra để chi tiêu… Như vậy, nếu đúng như những gì người dân tố cáo, thì việc làm của ông Trưởng thôn Nguyễn Ngọc Bình là hoàn toàn sai nguyên tắc…

02 Biên bản kiểm đếm tiền công đức thiếu quy chuẩn...

Để khách quan sự việc và làm rõ thông tin, sau khi nhận được tố cáo, PV đã có 02 buổi làm việc với UBND xã An Viên. Lần đầu, ông Phạm Sinh Mừng - Chủ tịch UBND xã An Viên cung cấp thông tin báo chí. Tuy nhiên, gần như ông Mừng không nắm được bất kể một thông tin chi tiết nào liên quan đến việc Quản lý tại đền Đậu An, đồng thời ông Mừng cho biết: “Đã ủy quyền cho ông Trần Văn Thanh - PCT UBND xã làm Trưởng ban Quản lý di tích Đền.

Với thái độ thiện chí, lần thứ 02, sau khi liên hệ phản ánh, ông Trần Văn Thanh - PCT UBND xã An Viên đã cung cấp thông tin cho báo chí. Tại buổi làm việc, ông Thanh còn mời thêm ông Nguyễn Ngọc Bình - Phó ban quan lý di tích, người trực tiếp chăm lo khách tiết, quản lý, chi tiêu kinh tế tại đền Đậu an. Có thể nói, ông Bình chính là nhân vật “quan trọng nhất”, nắm “quyền sinh quyền sát” tại đền Đậu An… Ngoài ra, còn có sự có mặt của gần… 10 “bô lão” trong làng nhưng không rõ chức năng, nhiệm vụ…

Trong suốt buổi làm việc, khi PV còn chưa đặt câu hỏi và ông Trần Văn Thanh - PCT UBND xã - người phát ngôn báo chí… còn chưa mở lời, thì ông Nguyễn Ngọc Bình đã liên tục lớn tiếng, trong câu nói chêm nhiều từ văng tục, sỉ vả và cho rằng: Người viết đơn là đối tượng “quấy rối”, “bố láo”, “phá đám địa phương”… Khi được PV nói buổi làm việc có ghi âm, ông Bình “tiết chế” hơn một chút và lý giải: “Do bản thân là người có công nhưng lại bị dèm pha, dẫn đến bực tức”.

Khi được hỏi về vấn đề “Có hay không sự việc như người dân tố cáo?”, ông Bình tiếp tục “tranh” trả lời thay người phát ngôn, tuy nhiên ông Bình liên tiếp trả lời vòng vo, nhất định không trả lời vào trọng tâm sự việc…Tóm tắt theo ý ông Bình, thì sự việc ngày 28/08/2019, ông “tự ý” bỏ ra ngoài khoảng 110 triệu đồng sau khi kiểm đếm là có thật, nhưng số tiền đã được “Đưa vào biên bản kiểm đếm” chứ không có chuyện tư lợi. Đồng thời, cả ông Bình và ông Thanh đều khẳng định: “Tiền đó là để bù những thứ đã chi âm trước đây vào thời điểm Lễ hội …”. Vậy chiếu theo Quy định, nguyên tắc đã nêu trên, việc làm này của ban quản lý đền nói chung và ông Bình nói riêng là có đúng hay không? Thậm chí, kỳ lạ hơn, khi ông Bình cung cấp Biên bản kiểm đếm tiền công đức cho PV sao chụp, PV đã vô cùng ngạc nhiên khi:

Một, ngày lập Biên bản ghi bằng lịch âm. Hai, có đến 02 tờ biên bản, chia nhỏ tổng số tiền. (Biên bản ghi 106.398.000đ và Biên bản ghi 241.480.000đ). Ba, các văn bản này không hề có tên đơn vị chủ quản, chỉ đề “Ban quản lý di tích đền Đậu An”, và càng không có một con dấu nào. Bốn, các văn bản kết thúc bằng loạt chữ ký của nhiều cá nhân không rõ chức danh và kèm câu kết: “Các thành viên cùng ký kết làm chứng từ quyết toán”. Năm, việc kiểm đếm không được diễn ra định kỳ mỗi tháng một lần mà cứ khi nào “cảm thấy cần” hoặc đầy két thì BQL đền sẽ triệu tập kiểm đếm. Có thời điểm nhiều tiền lẻ, BQL còn gọi thêm người dân không nằm trong BQL để... “đếm cho nhanh”.

Tiếp tục khai thác thông tin từ phía ông Trần Văn Thanh - PCT UBND xã An Viên, PV được biết: Ông Thanh mới tiếp nhận chức Trưởng BQL đền Đậu An được khoảng 03 tháng, do ông Phạm Sinh Mừng - Chủ tịch UBND xã An Viên ủy quyền. Trước đây, công tác quản lý đền đều do chỗ ông Bình quyết định, kể cả việc tu sửa, mua sắm…Tiền công đức sau mỗi lần kiểm đều không qua Kế toán ngân sách xã, mà trực tiếp gửi vào ngân hàng thành nhiều sổ nhỏ với các số tiền khác nhau, hiện có khoảng 6, 7 sổ nhỏ đều đứng tên … ông Bình.

Liệu “phép vua” có “thua lệ làng”?

Với rất nhiều các thông tin đã thu thập được, PV đã có cuộc khảo sát, phỏng vấn người dân sống tại thôn An Xá. Có rất nhiều người dân ở đây thắc mắc các dấu hiệu thiếu minh bạch trong thu chi đền Đậu An, nhưng theo họ “phép vua còn thua lệ làng”, ở đây, ông Nguyễn Ngọc Bình không những là người phụ trách quản lý Đền Đậu An mà từ lâu, ông Bình đã đảm nhiệm chức trưởng thôn. Như vậy, người dân nghiễm nhiên cho rằng: “Ông Bình có quyền mua sắm các vật dụng trong Đền, có quyền Tu sửa, cải tạo; Có quyền phân công công việc nhà Đền”... Và quả thực, khi PV hỏi và đề cập, tuy ông Bình luôn trả lời vòng vo, “lập lờ”, nhưng việc BQL đền tự ý cho cải tạo, tu sửa Đền Đậu An mà không có hồ sơ thiết kế, không xin ý kiến Sở Văn Hóa tỉnh Hưng Yên là có thật… Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu ý kiến của Sở Văn hóa Thể thao & Du Lịch tỉnh Hưng Yên trong kỳ tới.

Đền Đậu An là một trong những địa chỉ nổi tiếng linh ứng, một quần thể kiến trúc độc đáo đậm chất văn hóa dân tộc. Ngoài kiểu kiến trúc cổ kính, đền Đậu An còn lưu giữ được nhiều di tích cổ có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ và thật sự xứng đáng là một Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Như vậy, công tác quản lý tại đền Đậu An cần có một kế hoạch chi tiết, cụ thể, thống nhất và minh bạch, cần sự quản lý rõ nét, phối hợp chặt chẽ từ Trung Ương, đến tỉnh và địa phương. Hiện, rất nhiều các dấu hiệu đáng cảnh báo trong công tác quản lý, tu sửa, chi tiêu mua sắm tại đền Đậu An cần sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành.

Từ những năm 2013 - 2014, đến nay, dư luận địa phương hiện vẫn đang tiếp tục ồn ào, bàn tán về thiếu minh bạch trong việc lập danh sách đền bù, và hỗ trợ các gia đình có đất thu hồi để thực hiện dự án xây dựng Trường Đại Học Thủy Lợi. Việc này, công dân thôn An Xá cũng đã có đơn tố giác gửi nhiều cơ quan ban ngành nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Vậy kính đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Tiên lữ cùng các Sở, ban ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc làm rõ, ổn định dư luận địa phương, tránh trường hợp đơn thư kéo dài gây mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và Chính quyền, phát sinh dư luận xấu.

Báo sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trong kỳ tiếp theo.

Tại Điều 10 Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22.12.2015 của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch quy định: Người phụ trách (trụ trì), Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích, phải có phương thức thu, nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền được huy động từ nguồn xã hội hóa, tài trợ để tổ chức lễ hội đảm bảo công khai, minh bạch, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu đúng mục đích…

Tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30.5.2014 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức quy định: Người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới

Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.