Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 11/01/2020 05:37 (GMT+7)

Hưng Yên: Cần thanh tra lại việc cấp GCNQSDĐ của UBND huyện Khoái Châu

Mặc dù UBND xã giao đất trái thẩm quyền nhưng huyện Khoái Châu vẫn cấp GCNQSDĐ cho người dân. Hơn nữa, thời điểm cấp giấy, "tòa lâu đài" trên đất này đã đi vào hoạt động 1 thời gian dài.

Như đã phản ánh, chỉ dựa vào 3 phiếu thu (không đồng nhất, rõ nội dung) từ năm 1994 của UBND xã Đông Kết đối với ông Đỗ Đình Đắc (thôn Trung Châu, xã Đông Kết) và được xác định là phiếu thu của việc giao 1.600m2 đất trái thẩm quyền của UBND xã Đông Kết cho ông Đắc. Ngày 02/8/2007, cá nhân ông Đắc có giấy chuyển nhượng cho ông Đỗ Trọng Sáu (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) với diện tích là 1.000m2, ngày 06/12/2007 có giấy chuyển nhượng cho ông Đỗ Trong Nam - con trai ông Đắc (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) với diện tích là 600m2.

UBND xã Đông Kết đã giao đất cho ông Đắc trái thẩm quyền. Đất giao cho ông Đắc được xác định là loại đất gì, ông Đắc chuyển nhượng cho ông Sáu và ông Nam là loại đất với mục đích sử dụng như thế nào? Việc chuyển nhượng giữa cá nhân ông Đắc với ông Sáu, ông Nam trong trường hợp này có được xác định đúng quy định của pháp luật?...

“Tòa lâu đài” đang được tiếp tục hoàn thiện.

Vậy mà, ngày 28/3/2019 UBND huyện Khoái Châu lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Sáu và ông Nam với diện tích lần lượt là 935,6m2 và 573,7m2 đều là đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài. Cũng phải nói thêm là, việc cấp GCNQSDĐ này được hoàn thiện sau khi hộ gia đình ông Sáu đã tiến hành xây dựng “tòa lâu đài” trong một khoảng thời gian dài và đến nay “tòa lâu đài” này đang đi vào giai đoạn hoàn thiện.

Chưa hết, lý giải cho việc cấp GCNQSDĐ cho ông Sáu, ông Nam với PV – ông Nguyễn Gia Ban (Giám đốc CNVPĐKĐĐ huyện Khoái Châu lại đưa ra trích lục bản bản đồ Vlap (dự án được đo năm 2009) thể hiện chỉ duy nhất 02 thửa đất cấp cho ông Sáu và ông Nam có ký hiệu là ONT (đất ở nông thôn) với diện tích lần lượt là 935,6m2  và 573,7m2; còn xung quanh là các loại đất khác (DNL, TNS, LNQ, DGT,...). Vậy, tại sao ngày 28/3/2019 mới cấp GCNQSDĐ cấp cho ông Sáu và ông Nam (chưa bàn đến chuyện đúng sai về việc cấp GCNQSDĐ này) mà trước đó bản đồ Vlap đã thể hiện chỉ 02 đó là loại đất ONT? Dự án Vlap liệu có chính xác, có được làm căn cứ và có bao nhiêu trường hợp sai lệch...?

Sau khi báo KD&PL có nội dung phản ánh, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra văn bản số 1880/UBND-KT2, ngày 25/7/2019 giao Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu kiểm tra, xử lý các sai phạm trong việc giao đất, cấp GCNQSDĐ (nếu có) theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh...

Thực hiện chỉ đạo,UBND huyện Khoái Châu đã có văn bản số 216/BC-UBND, ngày 19/8/2019 do ông Hoàng Văn Tựu (Phó chủ tịch Thường trực) ký. Văn bản báo cáo thể hiện: “Năm 2009, thực hiện dự án Vlap 02 thửa đất trên được phản ánh tại thửa 136, tờ bản đồ 05, diện tích 1.532,5m2  và thửa 134, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.411,9m2” (trong khi đó, phần trích lục bản đồ Vlap ông Ban cung cấp trước đó thể hiện số liệu khác). Đồng thời, văn bản báo cáo cũng viện dẫn theo các quy định: Điều 23, Điều 70, Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014; Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 31/7/2018 cảu UBND tỉnh Hưng Yên; Căn cứ điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Căn cứ khoản 1 Điều 82 của Luật đất đai; áp dụng tại mục b khoản 1 Điều 8 nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và “khẳng định” việc cấp GCNQSDĐ cho ông Sáu, ông Nam là đúng với quy định của pháp luật.

Để có thể thông tin rõ về vấn đề, báo cáo và căn cứ giải quyết thiếu thuyết phục đối với quy định của pháp luật, ngày18/9/2019 PV đã liên hệ làm việc với Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên. Theo nội dung đề nghị, ngày 17/10/2019 Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên đã có Giấy mời số 282/GM-STNMT tổ chức buổi làm việc gồm các thành phần: Sở TN&MT (Lãnh đạo Sở, Chi cục Quản lý đất đai, Thanh tra sở, Giám đốc VPĐKĐĐ), UBND huyện Khoái Châu (Lãnh đạo UBND huyện, Trưởng phòng TN&MT, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện), UBND xã Đông Kết (Lãnh đạo UBND xã và Công chức địa chính xã) để xác định rõ việc cấp GCNQSDĐ đối với ông Sáu và ông Nam có đúng quy định của pháp luật.

Ngày 13/11/2019, trong buổi làm việc với PV, đại diện Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên – ông Phạm Văn Phương (Phó Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ) cho biết, nội dung buổi làm việc theo giấy mời số 282 không lập văn bản vì thiếu thành phần. Ông Phương chỉ có thể cung cấp một số văn bản về hồ sơ trong việc cấp GCNQSDĐ đối với 02 trường hợp này chứ không có kết luận đúng/sai. Việc kết luận đúng sai phải dựa trên kết quả thanh tra và xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của lãnh đạo.

Bản đồ Vlap được thực hiện từ năm 2009 nhưng đã được xác định là đất ONT dù chưa được cấp GCNQSDĐ được ông Ban đưa ra để viện dẫn.

Được biết, Quyết định “Ban hành Quy định về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở...” của tỉnh Hưng Yên có mức tối thiểu là 40m2, mức tối đa là 200m2 tuân theo những điều kiện theo quy định của pháp luật. Và cũng theo đề nghị, ông Phương cung cấp và cho biết, bản đồ quy hoạch sử dựng đất tại xã Đông Kết (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đến năm 2020 (được lập tháng 6/2012) thì khu quỹ đất tại khu cấp GCNQSDĐ cho ông Sáu và ông Nam được quy hoạch là đất ở.

Kính đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên thông tin, chỉ đạo thanh kiểm tra, làm rõ: Trước đây, UBND xã Đông Kết giao đất cho ông Đắc trái thẩm quyền là đất gì, có phải thu hồi và đã được xử lý ra sao? Việc chuyển nhượng đất giữa cá nhân ông Đắc với bố con ông Sáu, ông Nam rồi cấp GCNQSDĐ cho ông Sáu, ông Nam có được công nhận và đúng với quy định của pháp luật? Vì sao khi hộ gia đình ông Sáu xây dựng “lâu đài” rồi sau đó được cấp chính quyền cấp GCNQSDĐ? Sự thiếu logic, thiếu chính xác và thiếu căn cứ của bản đồ Vlap mà cấp chính quyền huyện Khoái Châu viện dẫn để cấp GCNQSDĐ cho ông Sáu, ông Nam được áp dụng là đúng và có phù hợp?

Đề nghị thông tin làm rõ những viện dẫn về Nghị định, Luật và các quy định của tỉnh về hạn mức cấp đất ở cùng các điều kiện để cấp GCNQSDĐ có thực sự chính xác? Theo quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, đối với khu vực cấp GCNQSDĐ cho ông Sáu, ông Nam có là khu dân cư, tuân theo trình tự bán đấu giá?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới