Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 02/10/2019 07:41 (GMT+7)

Kinh Môn, Hải Dương: Chuyện về người nông dân mất đất sau khi 'dồn điền đổi thửa'

Việc dồn điền đổi thửa được Ban dồn ruộng thống kê đầy đủ nhưng khi bàn giao đến UBND xã An Phụ lại có sự thay đổi khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi. Khi họ trình bày, kiến nghị lên cấp có thẩm quyền lại bị bác bỏ.

Trong buổi trao đổi ngắn với ông Nguyễn Như Ý – Trưởng thôn An Lăng, xã An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, được biết: “Bản chất của việc dồn điền đổi thửa là đổi từ ruộng nhỏ ra thành thửa ruộng to chứ phần diện tích sử dụng bao năm vẫn giữ nguyên chứ không mất đi. Tất cả số liệu về diện tích, vị trí dồn đổi chúng tôi đều ghi chép rất rõ ràng và gửi lại cho UBND xã và cán bộ địa chính xã theo dõi. Còn lại tôi chỉ theo dõi về tổng diện tích người dân đang sử dụng để căn cứ vào đó thu sản mà người nông dân phải nộp hàng năm thôi”.

Biên bản bàn giao đất hợp pháp ngày 17/11/1993 của UBND xã An Phụ bàn giao cho ông Phùng Văn Huân có diện tích ghi rõ là 01 mẫu, 0 sào, 01 thước, 02 thốn.

Có hay không việc UBND xã An Phụ đang mượn cớ “dồn điền đổi thửa” để thu hồi đất ruộng của người dân?

Ông Nguyễn Như Ý năm nay đã 68 tuổi, ông đã giữ vai trò làm Trưởng thôn An Lăng được 06 năm nay. Ông cho biết: “Vào năm 2015, xã An Phụ có họp triển khai và thành lập Ban dồn điền đổi thửa. Thôn An Lăng khi ấy có 02 (hai) xóm vì thế mà mỗi xóm thành lập ra một Tổ thực hiện công tác dồn điền đổi thửa của xóm. Khi ấy ông được bầu giữ vai trò là Tổ phó Tổ dồn điền đổi thửa thôn An Lăng”.

Tuy nhiên theo ông Ý, việc quyết định thành lập Ban, Tổ dồn điền đổi thửa và ông cùng những người khác có được giữ vai trò, trách nhiệm trong công tác này thì cũng chỉ được thông qua bởi cuộc họp do UBND xã tổ chức chứ hiện tại ông cũng không được giữ bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc Quyết định thành lập Ban, Tổ hay bổ nhiệm ông.

Nói về việc bàn giao ruộng cho dân, ông Ý cũng luôn khẳng định đã làm việc hết sức có trách nhiệm, có nghĩa là trước đây người dân được sử dụng bao nhiêu đất ruộng thì bây giờ vẫn được sử dụng nguyên số diện tích như thế và chỉ có khác là ở vị trí. Nhưng các giấy tờ về bàn giao đất ruộng ở vị trí mới ông cũng không được biết mà việc này là do cán bộ địa chính cùng UBND xã phụ trách, bản thân ông chỉ bàn giao, chỉ dẫn người dân quản lý và sử dụng đất ruộng ở vị trí mới bằng mồm thôi chứ không có giấy tờ gì. Tiền nộp sản lượng hàng năm cũng được ông thu đầy đủ thông qua sổ ghi chép cá nhân của mình.

Như vậy có thể hiểu ngay cả những thông tin phổ cập cho những người có vai trò, vị trí và trách nhiệm trong công tác dồn điền đổi thửa như ông Ý cũng có phần được UBND xã tuyên truyền hạn hẹp, bởi lẽ việc giao ruộng cho người dân đâu phải quyền hạn của Ban hay Tổ dồn điền đổi thửa (?).

Theo Luật định thì việc giao đất cho dân phải là cấp có thẩm quyền từ UBND xã trở lên tùy diện tích và hạng mục đất được giao. Trong trường hợp dồn điền đổi thửa tại xã An Phụ thì UBND xã phải lập biên bản bàn giao đất ở vị trí mới cho người dân và thu hồi lại phần diện tích đất canh tác cũ mà hiện tại người dân đang sử dụng. Nhưng dường như các bước thực hiện này chưa được thực hiện tại xã An Phụ bởi chính ông Nguyễn Ngọc Đức – Chủ tịch UBND xã An Phụ cũng thừa nhận: “Chưa thu hồi đất cũ và cũng chưa có biên bản giao đất mới cho ông Phùng Văn Huân” (?!).

Theo chia sẻ của ông Đức – Chủ tịch UBND xã An Phụ về nguồn gốc sử dụng đất ruộng của gia đình ông Huân từ những năm 1993 thì: “Ngày 01/04/1993, Nhà nước thực hiện việc giao ruộng lâu dài cho người dân. Khi ấy ai có khẩu bao nhiêu sẽ được hưởng số ruộng tương ứng (tính theo chế độ 01 sào 06 thước/ 01 nhân khẩu, tương ứng với 504 m2). Trên tinh thần đó thì nhà ông Huân có bao nhiêu nhân khẩu thì được hưởng đúng theo tiêu chuẩn đó. Hiện nay ông Huân là đang đòi phần đất ruộng mà ông đã mua lại của Hợp tác xã Nông nghiệp khi xưa. Phần diện tích đất ruộng này là của nông dân bỏ lại để đi vùng kinh tế mới và do Hợp tác xã Nông nghiệp Tân An quản lý. Việc mua bán giữa Hợp tác xã và ông Huân là không được phép và theo văn bản của Hợp tác xã thì việc mua này là mua hoa màu chứ không phải bán đất”.

Trong khi đó, một cán bộ Văn phòng UBND xã An Phụ chia sẻ với phóng viên: “Khi một số người dân bỏ lại ruộng để đi xây dựng ở vùng kinh tế mới thì họ nợ lại tiền nộp sản lượng hàng năm cho Hợp tác xã khiến Hợp tác xã lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ruộng thì bỏ hoang không người cấy hái. Vì vậy Hợp tác xã đã vận động một số người dân có điều kiện thì nhận thêm ruộng cấy hái và nộp công sản cho Hợp tác xã”.

Còn tại Văn bản của Ban Quản lý Hợp tác xã được lập ngày 20/03/1993 lại có nội dung: “Thực hiện Nghị quyết quyền giao ruộng cho các hộ đi xây dựng kinh tế mới. Nay Hợp tác xã có bán số ruộng của ông Hiểu sang cho ông Huân sử dụng. Số diện tích là 02 miếng: Một là 09 thước 05 thốn sào tại xứ Đồng Đống; Hai là 01 sào 01 thước 06 thốn tại xứ Đống Đình. Hợp tác xã đã thu tiền…”.

Việc nộp tiền được chứng thực bởi Phiếu thu số 42 ngày 20/03/1993. Theo đó, ngày 17/11/1993, UBND xã An Phụ lập Biên bản bàn giao đất cho ông Huân với tổng diện tích 01 mẫu 0 sào 01 thước 02 thốn, trong đó đất được giao theo tiêu chuẩn nhà ông Huân được hưởng 100% có diện tích là 8 sào 6 thước. Biên bản này có chứng thực bằng con dấu và chữ ký của Chủ tịch UBND xã và đại diện Hợp tác xã cùng chữ ký của ông Huân là người được bàn giao ruộng.

Như vậy, với Biên bản bàn giao ruộng ngày 17/11/1993 có đầy đủ xác nhận của các thành phần có thẩm quyền thì căn cứ vào đâu ông Đức – Chủ tịch UBND xã An Phụ lại kết luận là việc giao đất, bán ruộng của Hợp tác xã và Nguyên Chủ tịch UBND xã An Phụ thời kỳ năm 1993 là sai? Liệu ông Đức có đủ quyền hạn để kết luận và bác bỏ những chứng lý của lãnh đạo tiền nhiệm để lại hay không mà đã vội vàng thu hồi đất ruộng của ông Huân như vậy?

Liệu UBND xã An Phụ đã thực hiện đúng quy định về công tác dồn điền đổi thửa hay chưa?

Điều 78, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai như sau: “Về trình tự, thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện “dồn điền đổi thửa”:

1/ Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp;

2/ UBND cấp xã lập phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả tiến độ thời gian thực hiện chuyển đổi) và gửi phương án đến Phòng Tài nguyên và Môi trường;

3/ Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra phương án trình UBND cấp huyện phê duyệt và chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi ruộng đất theo phương án được duyệt;

4/ Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính;

5/ Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nộp hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận QSD đất;

6/ Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm: a) Lập hồ sơ, xác nhận nội dung thay đổi vào Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận; b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất…”.

Mặt khác, Điều 26 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 29/11/2013 (Thời điểm áp dụng Luật Đất đai phù hợp với công tác dồn điền đổi thửa năm 2015, 2016) về việc bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất như sau: “…Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam…”.

Đối chiếu các quy định này với công tác dồn điền đổi thửa của xã An Phụ với hộ gia đình ông Huân thì có thể thấy rằng việc chính quyền sở tại giao cho Ban, Tổ dồn điền đổi thửa thực hiện công tác trực tiếp giao ruộng sau quy hoạch cho nông dân là có phần chưa thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị định 43/2014/NĐ-CP; người nông dân trải qua 02 lần dồn điền đổi thửa nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận QSD đất, hơn thế còn bị đòi lại đất (đã được lãnh đạo tiền nhiệm giao cho người dân) cũng không phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Tất cả những vấn đề như vậy sao không được Thanh tra huyện Kinh Môn xem xét và tham mưu giải quyết cho Lãnh đạo huyện để đến nỗi Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn đã vội vàng ban hành Văn bản bác Đơn khiếu nại của nông dân như vậy? Phải chăng lãnh đạo huyện Kinh Môn cũng quan liêu và tắc trách?

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong những kỳ tiếp theo.

Hiền Anh – Thu Trung

Cùng chuyên mục

Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…
Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định: Cần xử lí nghiêm hành vi quan hệ bất chính của Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình
Bà Ngô Thị Đào, 74 tuổi, ở thôn Thiên Bình, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng tố cáo: Ông Bùi Văn Đạt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình đã có vợ con nhưng có hành vi quan hệ bất chính với con dâu bà là chị Lưu Thị T, đảng viên, công chức Văn phòng HĐND và UBND xã Nghĩa Bình...
Đại Hiệp - Đại Lộc - Quảng Nam: Một hộ dân không được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất vì sai sót của UBND xã?
Vừa qua tòa soạn nhận được phản ảnh của đại diện hộ gia đình ông Nguyễn Đình Tiến ở tại thôn Tích Phú, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phản ảnh việc hộ ông bị ảnh hưởng và thiệt hại do không được cấp sổ đỏ vì sai sót trong quá trình cập nhật sổ địa chính từ năm 1998 của xã Đại Hiệp . Được biết thửa đất của gia đình ông đã làm nhà ở và sử dụng ổn định , không có tranh chấp từ năm 1995 cho đến nay. Thửa đất có số thửa 723 tờ bản đồ số 2 diện tích 920 m2.

Tin mới

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Hơn 500 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai được chủ cửa hàng bánh mì thanh toán viện phí
Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cửa hàng bánh mì B. (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) khiến hơn 500 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, ngày 16/5, ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, bước đầu chủ cơ sở bánh mì đã khắc phục hậu quả, thanh toán hơn 580 triệu đồng viện phí cho các bệnh nhân.