Lâm Đồng: Hình sự hóa một giao dịch dân sự - Có hay không?
Một giao dịch dân sự nhỏ (vay và cho vay hơn 700 triệu) nhưng khi tòa án chuẩn bị xét xử thì bị đơn lại được cơ quan điều tra hình sự can thiệp.
Điều trớ trêu gây bức xúc là, 5 ngày trước khi có đơn tố cáo (ngày 10/8/2019), điều tra viên đã ký giấy triệu tập (05/8/2019). Vụ việc “làm bận lòng” lãnh đạo cao nhất tỉnh và nhiều cơ quan Đảng, chính quyền, các ban ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng…
Giấy triệu tập lần 1 do điều tra viên ký ngày 05/08/2019. |
Giao dịch dân sự đơn giản nhưng…
Nguyên đơn dân sự Nguyễn Ngọc Long (SN 1967, ngụ 140/58 Nguyễn Khuyến, phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: Việc cho bà Nguyễn Thị Cẩm Vân (SN 1979, thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vay tiền làm ăn (không tính lãi) là thiện chí muốn giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn. Nhưng sau 02 lần lập “Hợp đồng cho vay tiền” ngày 30/9/2018 và “Biên nhận vay tiền” ngày 13/11/2018 với lần đầu chuyển tiền qua ngân hàng (410 triệu đồng) và lần sau giao - nhận trực tiếp (300 triệu đồng), tổng cộng 710 triệu đồng, thì bà Vân “bội ước”. Hai bên đã trực tiếp trao đổi, thương lượng nhiều lần nhưng không thành nên ngày 23/2/2019, ông Long gửi đơn đến TAND huyện Đức Trọng chính thức khởi kiện bà Vân.
Sau hơn 5 tháng, TAND huyện Đức Trọng tiếp nhận, thụ lý và giải quyết đúng theo các trình tự, thủ tục của quy định pháp luật, đã có thông báo công khai mở phiên tòa xét xử vào 14h ngày 26/8/2019; thì bỗng nhiên, ông Long nhận được “Giấy triệu tập” lần thứ 1 (số 83) do điều tra viên Đặng Thị Tuyết Ngân (Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng) ký ngày 05/8/2019, nội dung: “Đúng 8g ngày 12/8/2019 có mặt tại Phòng Cảnh sát hình sự - số 10 Trần Bình Trọng, P5, TP. Đà Lạt để làm việc có liên quan đến đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Cẩm Vân”.
Cùng với sự can thiệp này, ngày 19/8/2019, bà Vân cũng có “Đơn xin không tham gia phiên tòa xét xử” 14h ngày 26/8/2019 với lý do: “Đã nhận thông báo của Công an tỉnh Lâm Đồng, về việc tôi tố cáo ông Nguyễn Ngọc Long…”. Vì vậy, phiên tòa 14h ngày 26/8/2019 bị đột ngột đình hoãn.
“Tôi chắc chắn đây là chiêu trò câu giờ, đối phó để giựt tiền vay và tiếp tục bội ước với những cam kết ban đầu của một giao dịch dân sự. Vì thế, tôi phản đối sự can thiệp của Cơ quan điều tra hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng” - ông Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh và khẳng định niềm tin của mình.
Trước động thái gây sốc này, ông Long gửi đơn khiếu nại đến lãnh đạo cao nhất tỉnh Lâm Đồng cùng các cơ quan chức năng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và cơ quan tư pháp tỉnh Lâm Đồng. Đơn khiếu nại của ông Long được tất cả các cơ quan, đơn vị tỉnh tiếp nhận, phản hồi, báo tin và thông báo trả lời.
Đặc biệt, “thay văn bản trả lời”, ngày 24/9/2019, Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng có Công văn số 934-CV/BNCTU gửi Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, nêu: “Được sự ủy quyền của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển đơn trên (Đơn của ông Long-PV) đến đồng chí xem xét, giải quyết; đồng thời, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy (qua Ban Nội chính Tỉnh ủy)”.
Hình sự hóa - Nên chăng?
Gây ra nhiều bức xúc cho nguyên đơn Nguyễn Ngọc Long là Công văn số 2303/CSĐT ngày 30/10/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Lâm Đồng do Thượng tá Phan Khắc Đức (ký), “trả lời” sau khi “đã nhận được nhiều đơn khiếu nại của ông do nhiều cơ quan chuyển đến” nhưng ông Long không đồng ý vì cho rằng: “Đó là bao che cho hành vi vượt thẩm quyền của điều tra viên Đặng Thị Tuyết Ngân”.
Viện dẫn Thông báo số 86/CQĐT(PC02) ngày 10/8/2019 của Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Lâm Đồng do Đại tá Phạm Hồng Tuấn (ký), gửi Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có nội dung: “Ngày 10/8/2019, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận(1) Tố giác, tin báo về tội phạm của(2): Đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, SN 1979, trú tại: Thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng tố cáo ông Nguyễn Ngọc Long, trú tại: 140/58 Nguyễn Khuyến, phường 12, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh về hành vi đe dọa, làm giả giấy tờ nhằm vu khống vay mượn số tiền 710.000.000đ (Bảy trăm mười triệu đồng)” và “Giấy triệu tập lần 1” do điều tra viên Đặng Thị Tuyết Ngân (ký) ngày 05/8/2019 mời làm việc “liên quan đến đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Cẩm Vân”, ông Long cho rằng Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Lâm Đồng đã làm sai quy định của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT - BCA-BQP-BTC-BNN &PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Giấy thông báo “Về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm ký ngày 10/8/2019. |
Thông tư liên tịch 01/2017, tại khoản 1, Điều 6 “Giải quyết tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố” có quy định: “Trong thời gian 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng Cơ quan điều tra trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công điều tra viên, cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý, giải quyết hoặc ra quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo thụ lý, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền”.
Liên quan đến đơn tố cáo của bà Vân, tại phiên đối chất do TAND huyện Đức Trọng tổ chức ngày 10/5/2019, bà Vân tố ông Long “ở đường cao tốc quận 2, TP.HCM đã có hành vi kề dao vào cổ bà, đe dọa, ép ký vào giấy biên nhận vay tiền ngày 13/11/2018” - nếu đó là sự thật thì sự can thiệp của Cơ quan CSĐT tỉnh Lâm Đồng là trái quy định tại khoản 4, Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bởi lẽ, theo khoản 4, Điều 163 quy định: “Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt”.
Liên quan đến vấn đề này, Cơ quan CSĐT Lâm Đồng không thể không biết khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch 01/2017 của liên bộ còn có quy định cụ thể và khẩn trương hơn: “Cơ quan điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải tiến hành phân loại trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền thì giải quyết theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch này. Nếu có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kế từ khi có căn cứ xác định. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết”.
Như vậy, với việc can thiệp vừa qua của Cơ quan CSĐT- Công an Lâm Đồng liệu có thật sự khách quan, nghiêm túc và đúng quy định pháp luật ?