Quảng Nam: Ai 'chống lưng' cho nhà máy bột đá hoạt động chui 12 năm qua?
Mặc dù chưa có hồ sơ, thủ tục pháp lý về thu hồi đất, cho thuê đất. Nhưng khoảng từ năm 2012 cho đến nay, nhà máy chế biến bột đá của Công ty Thành Phát vẫn ngang nhiên hoạt động.
Phản ánh đến đường dây nóng của tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, người dân tại thôn Hòa Thạch (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) về việc nhà máy chế biến bột đá xây dựng của Công ty Thành Phát (đóng tại thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang) tổ chức hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn như: Bụi đá từ nhà máy bay mù mịt ra khu dân cư... Đặc biệt, nhà máy bột đá này lại đang hoạt động "chui".
Qua tìm hiểu của PV thì được biết, kể từ năm 1996-2002 UBND tỉnh Quảng Nam cho Công ty TNHH Tân Thanh thuê gần 10.000m² đất tại thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang để đặt nhà máy chế biến bột đá xây dựng. Nhưng đến năm 2003, do không thể duy trì hoạt động của nhà máy, Công ty Tân Thành tan rã.
Sau đó, Công ty Thành Phát tiếp quản mặt bằng của nhà máy chế biến bột đá xây dựng của Công ty TNHH Tân Thanh. Tuy nhiên, kể từ khi tiếp quản cho đến nay, Công ty Thành Phát vẫn tổ chức hoạt động bình thường từ năm 2012 cho đến nay, mặc dù chưa có hồ sơ, thủ tục về thuê đất, đánh giá tác động môi trường… Song nhà máy chế biến bột đá của Công ty Thành Phát vẫn ngang nhiên hoạt động.
Để tìm hiểu rõ vụ việc, PV đã trao đổi với ông Hồ Thanh Phương - Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc (Quảng Nam) thì ông Phương xác nhận, nhà máy chế biến bột đá của Công ty Thành Phát chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất, cũng như các hồ sơ pháp lý liên quan đến vấn đề môi trường.
Như vậy, nhà máy chế biến bột đá của Công ty Thành Phát chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất, cũng như các hồ sơ pháp lý liên quan đến vấn đề môi trường, điều đó đồng nghĩa đây là nhà máy tổ chức hoạt động sản xuất “chui”.
Câu hỏi được đặt ra là từ xã đến phòng TNMT huyện đều biết nhà máy chế biến bột đá xây dựng của Công ty Thành Phát không có các hồ sơ pháp lý liên quan đến thuê đất, giấy phép môi trường… nhưng không xử lý mà để kéo dài từ năm 2012 cho đến tận hôm nay?
Qua tìm hiểu của chúng tôi, vị Giám đốc của Công ty Thành Phát là bà Lê Thị Thanh, chồng bà này là ông Phạm Ngọc Thành, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đại Quang. Hai vợ chồng bà Thanh, ông Thành có người con trai tên là Phạm Ngọc Vỹ, hiện là công chức địa của xã Đại Quang, nơi nhà máy đang hoạt động "chui".
Có hay không việc thông đồng “móc ngoặc” để nhà máy chế biến bột đá xây dựng của Công ty Thành Phát ngang nhiên hoạt động, tồn tại trong một thời gian dài từ năm 2012 cho đến nay, mặc dù không có hồ sơ pháp lý liên quan đến việc cho thuê đất, hồ sơ pháp lý liên quan đến vấn đề môi trường…; việc thất thoát tiền thuê đất của nhà nước, ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư, vấn đề về an toàn lao động một khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn… ai sẽ là người chịu trách nhiệm?. Câu hỏi này dành cho lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc.