Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 27/12/2019 09:02 (GMT+7)

Thanh Hóa: Đường giao thông nông thôn - Trụ bê tông và những câu chuyện bi hài

Hiệu quả bảo vệ con đường của những trụ bê tông đến đâu chưa biết, nhưng những hệ lụy do nó gây ra như: Mất an toàn giao thông, gây nhiều phiền toái và giảm thiểu công năng sử dụng của những con đường thì đã thấy rõ.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được ví như làn gió mát lành, thổi vào đời sống của người dân nông thôn tại Thanh Hóa. Thay thế cho những con đường đất lầy thụt trước kia là đường liên thôn, nội thôn, nội đồng được bê tông hóa bằng sức dân, chạy dài tít tắp. Và hầu hết trên những tuyến đường dẫn vào khu dân cư đều được bà con cẩn thận, đổ hai trụ bê tông, cốt thép kiên cố nhằm ngăn chặn xe tải, giữ gìn con đường – thứ mà họ đã phải bỏ nhiều công sức, tiền của, tâm huyết để làm nên.

Tuy nhiên, nói không quá khi những trụ bê tông này đang dần trở thành một thứ định kiến, sự hạn hẹp, kéo lùi sự phát triển của nông thôn mới.

Vết tích của vụ tai nạn từ những trụ bê tông.

Xe tải chở vật liệu xây dựng, thu mua nông sản không thể vào làng, vô số những vụ tai nạn giao thông đã xảy ra. Thậm chí, nếu có không may xảy ra hỏa hoạn trong khu dân cư, thì các loại xe cứu hỏa, cứu thương cũng đành…đứng ngoài nhìn. Tại các làng quê của Thanh Hóa, đã có hàng trăm câu chuyện bi hài xảy ra xung quanh những chiếc cột “định kiến” này.

Anh Lê Đức Quý - trú tại phố 2, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa ngồi chống chiếc điếu cày nhìn vào vô định trong ráng chiều muộn đỏ ối cuối ngày. Đã hơn 2 năm nay, anh không thể quay lại nghề thợ xây cũng như tìm một công việc mới vì một tai nạn oái ăm đã cướp đi chiếc xương cẳng chân bên phải. Anh là một trong rất nhiều những nạn nhân của những chiếc trụ bê tông hạn chế xe tải, được người dân dựng lên tại đầu các con đường dẫn vào khu dân cư gây ra mà tôi đã gặp khi thực hiện loạt bài viết này.

Vừa nâng chén nước trà đã nguội ngắt, anh Quý vừa buồn bã kể: Anh vốn đã nhiều tuổi, mãi mới tìm được cho mình một đám ưng ý ở xã Quảng Thành, TP Thanh Hóa. Định bụng cuối năm sẽ làm lễ cưới, yên bề gia thất. Sau buổi ra mắt nhà gái, chẳng biết vì hơi men của mấy chén rượu hay do quá phấn khích, trên đường về chiếc xe máy của anh đã va thẳng vào chiếc trụ bê tông đứng lù lù ở đầu đường. Chiếc xe máy bị oằn lại như bị một bàn tay khổng lồ bẻ gập, còn anh Quý thì được người dân chở thẳng vào bệnh viện.

Tỉnh dậy trên giường bệnh, ông bác sĩ lạnh lùng phán: “Mất một xương cẳng chân phải rồi! Có thể cậu sẽ phải chống nạng suốt đời!”, mắt anh tối sầm lại, đau đớn. Nỗi đau tưởng chỉ dừng lại ở thể xác. Ngày người yêu lên thăm, nhìn một bên chân đã bị khuyết hết một nửa, cô quay đi thở dài thườn thượt. Một năm sau cô bỏ anh đi lấy chồng, với lí do: “Chân cẳng thế thì còn làm ăn được gì!”. Chán nản, anh từ bỏ luôn ý định lập gia đình, dù có không ít các mối khác sẵn sàng theo anh về làm vợ.

“Giờ chân tay thế này cũng đành com cóp chút vốn liếng mở cái tiệm tạp hóa, kiếm đồng ra đồng vào cho qua ngày. Còn chuyện vợ con thôi không tính nữa, lấy về lại thành gánh nặng cho nhau…! Tôi không hiểu sao người ta có thể trồng ngay ở đầu các con đường những chiếc trụ bê tông như thế! Nếu không có biện pháp thay thế hay đập bỏ, sẽ còn nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng khác xảy ra” - giọng anh Quý chưa hết hậm hực.

Anh Lê Đức Quý – nạn nhân của chiếc trụ bê tông.

Không gặp tai nạn giao thông như anh Quý nhưng những chiếc trụ bê tông đã gây cho anh Nguyễn Hữu Hào - trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội không ít những bực dọc, phiền toái. Anh vốn gốc tại xã Định Hải, huyện Yên Định (Thanh Hóa) – một trong những xã đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Định.

Gặp tôi đúng dịp về thăm quê, anh kể: Sinh sống và làm việc tại Thủ đô nhưng cứ đều đặn, mỗi năm anh cho cả đình về thăm quê 2 bận. Mấy năm trước, nghe giọng bố hào hứng ra lệnh qua điện thoại: “Quê mình giờ hoành tráng lắm! Đường bê tông chạy vào tận từng ngõ xóm, tất cả cứ gọi là sạch bóng. Các con thu xếp về thăm và mừng cho quê mình đổi mới nhá!”.

Nghe quê hương phát triển từng ngày, anh cũng vui lây. Chờ mấy đứa nhỏ được nghỉ hè, vợ chồng anh lỉnh kỉnh đồ đạc, quà cáp quyết định về thăm quê. Về đến xã nhà, xe đang bon bon rẽ vào làng thì anh Hào phải đạp phanh dúi dụi. Ngay đầu con đường dẫn vào xóm, mọc lên hai chiếc trụ bê tông, đứng sừng sững như hai ông thần “thưởng thiện, phạt ác”. Sau một hồi loay hoay tiến, lùi, mồ hôi nhễ nhại mà không thể đi qua, anh đành bỏ xe, tay xách nách mang, dắt díu vợ con cuốc bộ non cây số dưới cái nắng lên đến hơn 40 độ C mới về được đến nhà bố mẹ.

“Thôi chịu khó tí, phải làm như thế mới giữ được đường con ạ! Của một đống tiền mồ hôi, công sức của dân chứ chả chơi!” – ông bố cười cười động viên. “Bảo vệ con đường là ý tốt, là đúng đắn của người dân vì nó được làm từ sức dân. Nhưng làm thì phải tính toán, làm sao cho vừa mỹ quan, vừa đảm bảo được giao thông thông suốt, phát huy hết công năng của con đường. Chứ, nông thôn mới như thế này, thà cứ như cũ mà xe vào đến tận nhà còn hơn!” – anh Hào thở dài ngao ngán. 

Như một thứ định kiến

Từ năm 2007, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã được bắt đầu triển khai và phát triển rầm rộ tại Thanh Hóa. Cũng từ đó, những trụ bê tông được đặt ở đầu các con đường thi nhau mọc lên một cách tự phát, không theo bất cứ một quy chuẩn nào. Trong ý nghĩ của đại bộ phận người dân, nhiệm vụ duy nhất của các trụ bê tông này là hạn chế xe tải lưu thông qua lại, bảo vệ con đường, còn các vấn đề khác dường như không được tính đến. Chính vì thế, xe tải chở vật liệu xây dựng, thu mua nông sản đều không thể vào tận các khu dân cư để phục vụ nhu cầu giao thương, phát triển kinh tế cho bà con. Không những vậy, tiềm ẩn phía sau còn là các nguy cơ khác như: Nếu không may xảy ra các sự cố hỏa hoạn, thiên tai… thì các loại xe chuyên dụng như xe cứu hỏa, cứu thương đều bị các trụ bê tông này vô hiệu hóa.

“Muốn các loại bán nông sản, chúng tôi phải dùng xe ba gác, xe máy chở ra tận đầu làng. Vất vả hơn là khi có ý định xây dựng nhà cửa. Vật liệu xây dựng cũng đều phải tập kết ở đầu đường, sau đó “tăng bo” thêm vài nhịp bằng xe côngnông nữa mới đến được tay thợ, giá thành một ngôi nhà cũng vì thế đội lên rất nhiều! Biết sao được, lệ làng bao năm nay đã thế rồi, mình phải tuân thủ thôi!” - chị Hoàng Thị Tâm ngụ thôn Thái Yên, xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn cho biết.

Nhắc đến những trụ bê tông đang “hiên ngang” án ngữ tại đầu các con đường dẫn vào khu dân cư, ông Hà Hữu Khang - Chủ tịch MTTQ huyện Triệu Sơn cũng không giấu được sự bức xúc của mình, ông nói: “Rất khó chịu mỗi khi đi có việc phải đi xuống các khu dân cư. Các trụ bê tông này không chỉ gây mất an toàn giao thông, giảm công năng sử dụng của các con đường mà nghiêm trọng hơn, nó còn là thứ định kiến, kéo lùi sự phát triển của nông thôn mới”.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện tại, toàn tỉnh có khoảng trên 70% các con đường giao thông nông thôn có gắn các trụ hạn chế xe tải như đã nói ở trên. Do khi làm, bà con chỉ chừa lối đi vừa lọt cho một chiếc xe hơi cỡ nhỏ, nhiều trụ đã bị tông bung, vỡ do được thiết kế thấp, cùng màu với con đường, khiến lái xe không thể quan sát.

“Đây là vấn đề không hề nhỏ đang tồn tại ở hầu như tất cả đường làng, ngõ xóm tại nông thôn Thanh Hóa. Nói không quá thì nó đang như một thứ định kiến, bảo thủ, lệ làng kiểu mới trong suy nghĩ của người dân và không ít cán bộ ở cơ sở!” – ông Linh thẳng thắn chỉ trích.

Cùng chuyên mục

Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…
Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định: Cần xử lí nghiêm hành vi quan hệ bất chính của Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình
Bà Ngô Thị Đào, 74 tuổi, ở thôn Thiên Bình, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng tố cáo: Ông Bùi Văn Đạt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình đã có vợ con nhưng có hành vi quan hệ bất chính với con dâu bà là chị Lưu Thị T, đảng viên, công chức Văn phòng HĐND và UBND xã Nghĩa Bình...
Đại Hiệp - Đại Lộc - Quảng Nam: Một hộ dân không được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất vì sai sót của UBND xã?
Vừa qua tòa soạn nhận được phản ảnh của đại diện hộ gia đình ông Nguyễn Đình Tiến ở tại thôn Tích Phú, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phản ảnh việc hộ ông bị ảnh hưởng và thiệt hại do không được cấp sổ đỏ vì sai sót trong quá trình cập nhật sổ địa chính từ năm 1998 của xã Đại Hiệp . Được biết thửa đất của gia đình ông đã làm nhà ở và sử dụng ổn định , không có tranh chấp từ năm 1995 cho đến nay. Thửa đất có số thửa 723 tờ bản đồ số 2 diện tích 920 m2.
Nha khoa Miley Luxury đối mặt với các cáo buộc về việc cấy ghép Implant răng không được chứng nhận
Khách hàng được Nha khoa Miley Luxury tư vấn nhổ cùng lúc 20 chiếc răng và trồng 12 trụ Implant nhãn hiệu Alphadent của Đức nhưng khi yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ liên quan thì lại “bỏ ngõ”. Nghi ngờ các trụ Implant do phòng khám sử dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ nên người nhà bệnh nhân đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Tin mới

Bão Mặt Trời mạnh nhất 20 năm tấn công Trái Đất
Bão Mặt Trời mạnh nhất hơn hai thập kỷ đã tấn công Trái Đất trong ngày 10/5, tạo ra những cảnh tượng ánh sáng cực quang ngoạn mục trên bầu trời, nhưng cũng mang đến nguy cơ làm gián đoạn các vệ tinh và lưới điện khi bão kéo dài đến cuối tuần.
Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp “quen mặt' trúng loạt gói thầu tiền tỷ với tỉ lệ tiết kiệm gần bằng 0%
Tính chung, trong giai đoạn từ năm 2022 đến tháng 5/2024, Công ty Thanh Hà đã trúng 7 gói thầu tại UBND xã Thanh Vân, tổng giá trị trúng thầu hơn 49 tỷ đồng. Thế nhưng, tất cả gói thầu này đều được Công ty Thanh Hà trúng thầu sát giá, với tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách gần như bằng 0%.