Tiền Giang: Chính quyền 'phớt lờ' các quy định của pháp luật?! (Kỳ 1)
Thời gian qua, có rất nhiều vụ việc người dân gửi đơn thư phản ánh đến Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa (Gò Công Đông, Tiền Giang) nhưng đều rơi vào… im lặng, có lúc chính quyền lại ra mặt bênh vực cho hành vi sai trái?
Vừa qua, có dịp công tác ở nhiều tỉnh miền Tây, khu vực ĐBSCL,… PV nhận thấy cách xử lý thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư, phản ánh của người dân từ chính quyền như “đó là chuyện của ai, không phải trách nhiệm của… địa phương”.
Ngay từ đầu từ đầu, người dân gửi đơn thư đến UBND cấp xã, không được xem xét, giải quyết, bức xúc họ gửi đơn đến nhiều cơ quan khác nhau thì lãnh đạo Đảng Ủy, UBND xã mời họ đến làm việc cho rằng anh (chị) gửi đơn nhiều nơi thì không có cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết, chỉ gửi 01 nơi thôi và “hướng dẫn” người dân viết lại đơn, chỉ gửi 01 nơi là UBND cấp xã (như đơn đầu tiên họ đã gửi) thì “sẽ được” xem xét, giải quyết…
Phải chăng đây là hình thức “hành dân” triệt để được UBND cấp xã một số địa phương vận dụng khi giải quyết đơn thư của người dân? Nhóm PV Thời sự quyết tâm vào cuộc, thu thập tài liệu ở chính nơi một số địa phương bị người dân than phiền, làm rõ phản ảnh của người dân đối với những sai phạm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa bị “tố” bao che sai phạm???
Số báo 17/2020, phát hành ngày 13/02/2020, báo Kinh Doanh và Pháp Luật có bài viết “Dựng hàng rào lấn chiếm lối đi công cộng”, phản ánh việc một số hộ dân ở ấp Giồng Lãnh 2, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, từ tháng 4/2019, bức xúc trước việc gia đình ông Trần Văn Du (ngụ tại địa phương) dựng hàng rào lấn chiếm lối đi công cộng 0,5m,… người dân đã phản ảnh, gửi đơn đến UBND xã Tăng Hòa từ tháng 4/2019 nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết theo quy định…
Thời gian qua, rất nhiều vụ việc dư luận địa phương lên tiếng gửi, gửi đơn thư phản ánh đến Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa (Gò Công Đông, Tiền Giang) nhưng đều rơi vào… im lặng, có lúc lại ra mặt bênh vực cho hành vi sai trái?
Tìm hiểu vụ việc, PV nhận thấy phản ảnh của người dân hoàn toàn có cơ sở, rất nhiều vụ việc dư luận địa phương lên tiếng gửi đến Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa nhưng đều rơi vào… im lặng, có lúc lại ra mặt bênh vực cho hành vi sai trái?
Vì sao phản ánh của dân rơi vào im lặng?
Toà soạn vừa nhận được đơn phản ánh của ông Võ Văn Thử (SN: 1965), ngụ tại Ấp Giồng Lãnh II, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, về việc tố cáo ông Nguyễn Thế Hợp- Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa không giải quyết phản ánh của công dân theo quy định. Theo đó, ông Võ Văn Thử nêu rõ 02 nội dung chính, nhiều lần trình báo, gửi đơn đến Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa nhưng không được giải quyết.
Việc thứ nhất là gia đình ông Trần Văn Du (ngụ tại địa phương) dựng hàng rào lấn chiếm lối đi công cộng 0,5m,… được người dân phản ảnh từ tháng 4/2019, nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý… Việc thứ hai là 02 gia đình ông Võ Văn Chuyền, sau đó là gia đình ông Đoàn Văn Mờ thường xuyên mở nhạc sống sử dụng nhiều loại loa có công suất lớn, gây ồn ào, ảnh hưởng an ninh trật tự ở địa bàn khu dân cư. Riêng gia đình ông Võ Văn Chuyền, thường xuyên mở nhạc sống loại loa lớn, người dân đã gửi đơn phản ảnh từ tháng 02/2018 nhưng vẫn không bị xử lý…
Tiếp xúc với PV, ông Võ Văn Thử, ngụ tại Ấp Giồng Lãnh II, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông cho biết: “Vụ việc nào cũng vậy, tôi đều trình báo Trưởng ấp, cán bộ địa chính, cán bộ Văn hóa Thông tin rồi mới đến Chủ tịch UBND xã, có khi phải gọi điện thoại nhiều lần. Nhưng họ đều né tránh, không nghe điện thoại hoặc chỉ sang người này người kia… Việc hát karaoke nhạc sống gây ồn ào ở khu vực, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác ở địa phương rất nhiều lần lên tiếng, ký đơn tập thể gửi Chủ tịch UBND xã rồi công an xã,… mà có ai giải quyết đâu?”.
Cũng theo ông Võ Văn Thử, sau khi tiếp nhận đơn thư phản ánh gần đây nhất của ông về việc con gái ông tên Võ Ngọc Kim Ngân bị đánh vào ngày 16/4/2019 (PV sẽ đề cập chi tiết ở kỳ báo tới), tới ngày 12/02/2020, Đảng Ủy xã Tăng Hòa mới mời ông đến làm việc và cho biết rằng gửi đơn nhiều nơi thì không có cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết, chỉ gửi 01 nơi thôi và “hướng dẫn” ông viết lại đơn, chỉ gửi 01 nơi là UBND cấp xã (như đơn đầu tiên họ đã gửi) thì “sẽ được” xem xét, giải quyết…
Chủ tịch xã 'chở che' sai phạm?
Từ thông tin phản ảnh của người dân địa phương về các vụ việc họ bức xúc, phản ảnh nhiều lần nhưng không được giải quyết, PV vào cuộc xác minh và có được “Biên bản hòa giải ranh đất, tranh chấp cột điện” ngày 17/5/2019, do ông Nguyễn Thế Hợp- Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa chủ trì giải quyết nội dung về việc tranh chấp cột điện, không hề đá động gì đến việc gia đình ông Trần Văn Du làm hàng rào lấn chiếm 0,5m lối đi công cộng (thực ra đây là phần đất của gia đình ông Võ Văn Thử, hiến cho địa phương là lối đi chung).
Theo đó, ngày 17/5/2019, với đầy đủ thành phần tham dự, là đại diện cơ quan ban ngành ở xã Tăng Hòa, là: ông Nguyễn Thế Hợp- Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Văn Liêm- Chủ tịch Hội Nông Dân xã, bà Trần Thị Hạnh- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, ông Ngô Thanh Phong- Bí thư Đoàn, ông Nguyễn Văn Vũ- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, ông Lê Thành Đức- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Lê Văn Nhôm- cán bộ Nông nghiệp Địa chính xã và bà Nguyễn Trúc Linh- cán bộ tư pháp xã.
Dù biên bản hòa giải ghi rất rõ “Việc tranh chấp ranh- cột điện” với nguyên đơn là ông Võ Văn Thử, bị đơn là ông Trần Văn Du… Có nghĩa UBND xã Tăng Hòa sẽ xem xét nội dung đơn thư khiếu kiện của ông Võ Văn Thử, giải quyết theo yêu cầu nguyên đơn. Thế nhưng, UBND xã Tăng Hòa lại chỉ đi sâu vào nội dung tranh chấp ranh- cột điện, không đề cập gì đến hành vi sai phạm của ông Trần Văn Du khi xây dựng hàng rào lấn chiếm 0,5m đất công cộng.
Chẳng những thế, tại buổi hòa giải, ông Nguyễn Thế Hợp với tư cách là Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa- là người chủ trì buổi hòa giải, lại có ý kiến: “Hiện nay nhu cầu của ông Du làm cửa cổng rào và đã yêu cầu ông Thử dời đi tránh nơi khác. Hội đồng hòa giải động viên hai bên theo cách: Một là dời cột điện này vào trong đất của ông Du. Hai là có thể cho ông Thử móc dây điện vào cột điện hiện hữu của ông Du…”.
Toà án đình chỉ vụ án...
Như đã nhắc ở phần trên, buổi hòa giải ngày 17/5/2019 không thành, do ông Võ Văn Thử không đồng ý với kết luận trên, vì nội dung chính mà ông Thử yêu cầu giải quyết là hành vi lấn chiếm lối đi công cộng 0,5m của gia đình ông Trần Văn Du nhưng UBND xã Tăng Hòa lại chỉ xử lý về tranh chấp ranh- cột điện… 10 ngày sau, UBND xã Tăng Hòa đã “hăng hái” chuyển nội dung hòa giải không thành đến TAND huyện Gò Công Đông yêu cầu Tòa án thụ lý, giải quyết (???).
Sau khi thụ lý vụ án, vào ngày 15/8/2019, TAND huyện Gò Công Đông phối hợp Phòng Tài nguyên Môi trường đến xác minh, đo đạc để giải quyết theo đơn thư, nhưng lần này nguyên đơn lại là ông Trần Văn Du, còn ông Võ Văn Thử từ nguyên đơn tố cáo hành vi lấn chiếm 0,5m đất lối đi công cộng của ông Du lại trở thành bị đơn, vì ông Du cho rằng cột điện của ông Võ Văn Thử nằm trên phần đất của… ông Du?
Từ xác minh của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Gò Công Đông, đã khẳng định cột điện của ông Võ Văn Thử xây dựng hợp pháp trên phần đất của gia đình, nên yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn Du là không có cơ sở xem xét, từ đó ông Trần Văn Du đã xin rút đơn khởi kiện và TAND huyện Gò Công Đông ra Quyết định đình chỉ vụ án.
Từ đó đã đủ cơ sở thể hiện rõ việc ông Nguyễn Thế Hợp- Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa có dấu hiệu “chở che” cho sai phạm, cụ thể là hành vi lấn chiếm 0,5m đất công cộng không hề xem xét, giải quyết… Và điều lạ lùng là ông Võ Văn Thử từ nguyên đơn tố cáo hành vi lấn chiếm đất công cộng, trở thành bị đơn với yêu cầu của ông Trần Văn Du là di dời cột điện trồng trên đất của… gia đình mình!
Qua bài viết này, đề nghị các cấp lãnh đạo ở huyện Gò Công Đông và tỉnh Tiền Giang sớm xem xét lại cách làm việc, giải quyết thủ tục hành chính, đơn thư, phản ánh của công dân do UBND xã Tăng Hòa thực hiện thời gian qua. Cần làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Thế Hợp- Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa với những sai phạm đã đề cập trong bài báo.
Luật gia Bồ Văn Nhân (Viện Khoa học Pháp lý- Trung ương Hội Luật gia Việt Nam): “Nếu đúng nội dung diễn ra như trên, chắc chắn chính quyền địa phương đã “nợ” dân rồi, bởi vì việc giải quyết đơn thư, phản ảnh, kiến nghị,… của công dân đã được quy định chặt chẽ ở Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại rồi Luật Tố cáo năm 2011…”.
Đón xem kỳ 2: Nhạc sống 'hành dân', Chủ tịch xã không đủ thẩm quyền xử lý?