TP.HCM: Không để tình trạng một tuyến đường bị 'đào lấp' nhiều lần
UBND TP.HCM yêu cầu không để xảy ra tình trạng “đào lên, lấp xuống” nhiều lần trên một tuyến đường, nhất là các tuyến trục chính đô thị gây ảnh hưởng đến chất lượng khai thác, lãng phí và bức xúc xã hội.
Ngày 24/02, theo thông tin từ văn phòng UBND TP.HCM, UBND TP đã yêu cầu Sở GTVT phối hợp đồng bộ với các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết các vấn đề trong công tác đào và tái lập mặt đường phục vụ sửa chữa, nâng cấp, ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp thoát nước, viễn thông, điện lực, chiếu sáng,…).
Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng “đào lên, lấp xuống” nhiều lần trên cùng một tuyến đường, nhất là các tuyến trục chính đô thị ảnh hưởng đến chất lượng khai thác, gây lãng phí và bức xúc xã hội.
Bên cạnh đó, ban hành Quy chế phối hợp giữa các đơn vị nhằm nâng cao trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực giao thông đô thị; tạo điều kiện tối đa để phát triển các dự án đường sắt đô thị, vận tải hành khách công cộng và đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình giao thông trọng điểm; đề xuất phát triển hệ thống giao thông vận tải TP giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn sau năm 2025, gắn với điều chỉnh quy hoạch chung TP; đề xuất phương án đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông trên cao...
UBND TP.HCM yêu cầu không để xảy ra tình trạng “đào lên, lấp xuống” nhiều lần trên một tuyến đường, nhất là các tuyến trục chính đô thị. |
Sở GTVT cũng được giao tham mưu một số chính sách, đề án, phương án, giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và từng bước phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TP.
Cụ thể, trong năm 2020, Sở phải hoàn thành một số nội dung, đề án như: dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 23/10/2008 về quy định quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP; kiểm soát và hạn chế hoạt động vận tải hàng hóa trên đường bộ vào ban ngày (chuyển hoạt động vào ban đêm); đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM”; đề án trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt TP; đề án chuyển đổi phương tiện và cấm lưu thông đối với các loại xe thô sơ 3-4 bánh vào trung tâm TP...
Cùng với đó, Công an TP cần đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh Đề án “Thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn TP”.
Các cơ quan liên quan cũng được giao tham mưu việc xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh TP; đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh hệ thống hạ tầng giao thông TP.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ khởi công, hoàn thành các dự án công trình giao thông trọng điểm của TP như: khép kín đường Vành đai 2, tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2, các công trình giao thông kết nối khu vực cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước; lập danh mục các công trình giao thông trọng điểm theo thứ tự ưu tiên đầu tư trong năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025; xác định rõ nguồn vốn và thời gian thực hiện; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức xã hội hóa hoặc đối tác công tư (PPP).