Viết tiếp bài: Người dân 'tố' chủ tịch xã Đông Yên để mất tài sản của dân
Nếu tài sản của người dân bị mất do chuyên môn yếu kém của cán bộ xã trong quá trình kê biên tài sản, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, và sẽ phải bồi thường như thế nào?
Như đã thông tin trong bài viết: Quốc Oai-Hà Nội: Người dân “tố” chủ tịch xã Đông Yên để mất tài sản của dân liên quan đến việc Cán bộ xã Đông Yên, huyện Quốc Oai Hà Nội thu giữ, niêm phong tài sản khi chủ tài sản không có mặt. Đến khi trao trả thì tài sản bị gỡ niêm phong, không đủ với số lượng đã kiểm kê trước đó.
Cụ thể, theo đơn thư phản ánh của ông Kiều Duy Dân (địa chỉ đội 3 thôn Đông Hạ, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có nội dung việc công trình nhà ở của ông bị tiến hành cưỡng chế khi gia đình ông chưa nhận được bất kì thông báo bằng văn bản nào. Khi tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều tài sản trong nhà chưa được tháo dỡ và kê biên trong biên bản kê biên tài sản như gương, tủ quần áo, tủ trang trí to, bàn trang điểm, bình nóng lạnh (02 chiếc)...
Ông Tạ Đình Quý Chủ tịch UBND xã Đông Yên trong buổi bàn giao lại tài sản cho người dân. |
Đến ngày 08/01/2020 gia đình có nhận được thông báo về việc lên nhận lại tài sản. Ngày 10/01/2020 gia đình ông Dân tiến hành đi nhận lại tài sản đã được tiểu ban kê biên tài sản kê biên trong biên bản, được niêm phong tại kho của UBND xã Đông Yên. Trước sự chứng kiến của nhiều người, có luật sư được ông Kiều Duy Dân ủy quyền để thực hiện việc nhận lại tài sản cho minh bạch. Nhưng điều làm nhiều người bất ngờ khi cánh cửa niêm phong được mở ra, các hiện vật được cán bộ nhân viên UBND xã di chuyển ra ngoài khu vực sân và có cán bộ ghi văn bản bàn giao cùng lúc thì mọi người đều thấy có rất nhiều đồ đạc không còn được niêm phong theo đúng quy định của pháp luật.
Chiếc tivi trị giá gần 20.000.000đ được niêm phong nhưng không xuất hiện trong biên bản kê biên tài sản và hôm bàn giao tài sản. |
Luật sư và ông Kiều Duy Dân yêu cầu cán bộ ghi biên bản bàn giao ghi rõ những vật dụng không được niêm phong vào biên bản, và chính ông Tạ Đình Quý chủ tịch UBND xã Đông Yên cũng đã thống nhất về việc này. Cho đến khi kiểm đếm để nhận lại tài sản, ông Dân mới phát hiện ra thiếu chiếc tivi của gia đình. Mặc dù vào ngày kiểm đếm tài sản, chiếc tivi cũng đã được niêm phong nhưng trong biên bản kê biên tài sản lại không thấy nhắc đến chiếc tivi và trong kho của trụ sở UBND xã Đông Yên cũng không có.
Liên quan đến sự việc, PV đã liên hệ, ghi nhận quan điểm pháp lý của Luật sư Trần Văn Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Sa. Luật sư Đức cho rằng:
Theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì một trong những biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hành chính là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Theo Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép như sau: “Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.”
Buổi tổ chức cưỡng chế có mặt nhiều cơ quan ban ngành huyện Quốc Oai |
Việc thực hiện tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng trái phép khi xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Thông tư 03/2018/TT-BXD như sau:
- Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.
- Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì người có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm.
- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (trừ trường hợp vụ việc phức tạp theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính), người có thẩm quyền xử phạt hành chính có trách nhiệm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt có trách nhiệm gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm.
- Hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt hành chính ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đồng thời thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cưỡng chế phá dỡ. Trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ra quyết định cưỡng chế phá dỡ;
Từ những vurong sự việc đối với gia đình nhà ông Kiều Duy Dân, từ lúc phát hiện ra vi phạm đến khi thực hiện việc cưỡng chế ông Dân không nhận được bất kì văn bản nào của UBND xã Đông Yên về sự việc này. Không những thế, Chúng tôi là Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Kiều Duy Dân trong vụ việc này, nhưng tại buổi cưỡng chế, ông Tạ Đình Quý (Chủ tịch xã) đã từ chối sự có mặt của Luật sư trong quá trình làm việc. Quy trình xử lí hành chính của UBND xã Đông Yên đã vi phạm nghiêm trọng và không hề tuân theo các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của ông Kiều Duy Dân (Người bị cưỡng chế tài sản).
Cũng theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì Biên bản kê biên tài sản được thực hiện như sau:
Việc kê biên tài sản phải được lập biên bản. Trong biên bản ghi rõ: Thời gian, địa điểm tiến hành kê biên tài sản; họ tên, chức vụ người chủ trì thực hiện việc kê biên; người đại diện cho tổ chức bị kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ; người chứng kiến; đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế); mô tả tên gọi, tình trạng, đặc điểm từng tài sản bị kê biên. Người chủ trì thực hiện việc kê biên, người đại diện cho tổ chức bị kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ, người chứng kiến, đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế) ký tên vào biên bản. Biên bản kê biên tài sản có nhiều tờ thì phải ký vào từng tờ biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do. Biên bản kê biên được lập thành 02 bản, cơ quan ra quyết định cưỡng chế giữ 01 bản, 01 bản giao cho cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị kê biên ngay sau khi hoàn thành việc lập biên bản.
Áp dụng những quy định pháp luật vào vụ việc của hộ gia đình ông Kiều Duy Dân cho thấy, Biên bản kê biên mà Tiểu ban kê biên tài sản của UBND xã Đông Yên lập không thể hiện thời gian lập; thời gian kết thúc; số tờ; Biên bản kê biên gồm nhiều tờ nhưng cũng không được kí vào từng tờ Biên bản. Hơn nữa, tại buổi kê biên tài sản, chính ông Kiều Duy Dân là chủ sở hữu của những tài sản đó lại bị đuổi ra khỏi nhà và không được vào nhận và kiểm kê các đồ đạc của mình.
Biên bản kê biên cũng thể hiện nội dung của tiểu ban kê biên: “Chúng tôi đã tiến hành niêm phong toàn bộ tài sản kê biên trên đưa về kho của UBND xã để trông giữ và giao cho Ban Công an xã trông giữ chờ UBND xã xử lý theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, khi ông Kiều Duy Dân đến nhận lại tài sản theo Thông báo của UBND xã Đông Yên thì có rất nhiều tài sản không được dán niêm phong. Nhưng ông Chủ tịch xã Đông Yên lại yêu cầu ông Kiều Duy Dân phải nhận lại cả những tài sản không được niêm phong là một điều hoàn toàn vô lý.
Còn đối với việc tài sản là chiếc tivi tại nhà của ông Dân dù đã được niêm phong nhưng hiện nay lại không nằm trong kho của UBND xã Đông Yên, thì đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xác minh. Một câu hỏi được đặt ra: Nếu tài sản của người dân bị mất do chuyên môn yếu kém của cán bộ xã trong quá trình kê biên tài sản, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, và sẽ phải bồi thường như thế nào?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!.