Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 19/03/2020 02:31 (GMT+7)

Vụ án 'Cố ý gây thương tích' tại Cà Mau (Kỳ 9)

Vụ án "Cố ý gây thương tích" tại Cà Mau còn nhiều khuất tất cần làm rõ, đặc biệt là khi các bị cáo đồng loạt kêu oan tại phiên xử sơ thẩm lần 2.

Trước đây trong bài viết “Phiên xử sơ thẩm lần 2 - Các bị cáo đồng loạt kêu oan” không chỉ nêu ra sự mâu thuẫn về yếu tố thời gian giữa CA huyện Cái Nước và CA TP Cà Mau thu thập xác định khác nhau về thời điểm mà vụ án của nhóm Đặng Hữu Thời, Trần Văn Tổng, Trần Quốc Đẳng bị chém và sự việc đến nay vẫn chưa được CA huyện Cái Nước trả lời theo Đơn yêu cầu khởi tố vụ án và đề nghị giám định tỷ lệ thương tật của Thời.

Mặt khác về phía vụ án anh Nguyễn Quốc Toàn, Hồ Minh Tiến và Lê Hoàng Khen bị chém được luật sư và bị cáo chỉ ra sự khác biệt, ngoại phạm do lời khai của các bị hại đều cho rằng nhóm chém chạy xe đến nhảy xuống rồi xông vào chém anh Toàn, Tiến, Khen. Trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định do Thời bị 07-08 người không rõ họ tên đi xe mô tô chạy đến chém nên sau đó Thời tập hợp nhiều người đứng bên đường chờ đợi rồi xông qua chém các anh Toàn, Tiến, Khen đang đi bộ từ hướng cầu Lương Thế Trân đến cổng khu đô thị Hoàng Tâm để ăn cháo (?).

Hình ảnh các bị cáo đang viết đơn kêu oan.

Đến nay qua 03 lần xét xử vẫn chưa làm sáng tỏ vì sao Thời phán đoán được hướng đi của hung thủ mà chờ đón chém trả thù. Vì sao Thời nhận diện được những người đi bộ là nhóm hung thủ trước đó đã từng sử dụng xe mô tô để chém Thời. Cho thấy việc điều tra lại chưa thỏa đáng và không có gì khác so với hồ sơ đã có trong phiên sơ thẩm lần đầu.

Tước quyền giám hộ - hợp thức hóa biên bản lời khai (?)

Nghiên cứu đơn kháng cáo của Lâm Hải Long và đơn khiếu nại của gia đình Long cho rằng khi mời Long (người chưa thành niên) làm việc, CA TP Cà Mau không thông báo cho cha mẹ Long biết, ngược lại ra văn bản yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau cử luật sư Trần Dân Q… tham gia giám hộ? Trong khi cha mẹ Long không hề bị hạn chế hay bị tước bỏ quyền giám hộ. Trong lúc văn bản cử luật sư giám hộ ký vào ngày chủ nhật 15/3/2015 nhưng lại ghi rõ căn cứ Quyết định khởi tố vụ án ngày 26/3/2015. Điều này có thể hiểu do hợp thức hóa nên thời gian cán bộ điều tra ghi biên bản lời khai Lâm Hải Long từ ngày 15/3 đến ngày 26/3/2015 là không có người giám hộ? Thế nhưng cáo trạng lại trích dẫn nhiều lời khai ban đầu của Long tại thời điểm này để làm căn cứ xác định hành vi của nhiều bị cáo khác là chưa thỏa đáng!

Trao đổi với luật sư Trần Thị Ánh - Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương - người bào chữa cho 4 bị cáo còn đặt ra nghi vấn buổi sáng ngày 17/3/2015 ĐTV Quách Công D… có biên bản làm việc với Đặng Hữu Thời vào lúc 10 giờ kết thúc lúc 11 giờ 15, nhưng đồng thời còn có biên bản làm việc với Nguyễn Hoài Nam vào lúc 10 giờ, kết thúc lúc 10 giờ 30 phút. Buổi chiều làm việc với bị hại Nguyễn Quốc Toàn tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ vào lúc 14 giờ kết thúc 15 giờ, nhưng 20 phút sau đã có mặt và làm việc với Nguyễn Hoài Nam vào lúc 15 giờ 20, kết thúc 15giờ 30 tại CA TP Cà Mau và điều tra viên này còn lập thêm biên bản với Lâm Hải Long vào lúc 16 giờ 15, kết thúc 16 giờ 45. 

Như vậy qua 05 biên bản thể hiện buổi sáng ĐTV Quách Công D… đã lập 02 biên bản tại TP Cà Mau, buổi chiều thời gian vỏn vẹn 2 tiếng 45 phút ĐTV lập 03 biên bản với 03 người tại 02 địa điểm cách xa khoảng 150 km là điều không hợp lý và không phù hợp thực tế?!

Bắt người khi chưa có Quyết định tạm giữ!

Đối với Đặng Hữu Thời bị mời làm việc rồi bị tạm giữ từ lúc 19 giờ 30 ngày 15/3/2015 nhưng biên bản bắt người thể hiện lúc 18 giờ 15 ngày 17/3/2015. Biên bản giao nhận người tạm giữ lúc 00 giờ 20 ngày 18/3/2015. Như vậy từ khi mời đến khi bị tạm giữ gần 03 ngày Thời ở đâu? Theo lệnh của ai? Trong thời gian bị câu lưu này chế độ ăn uống ngủ nghỉ như thế nào? 

Tương tự như Thời là Lâm Hải Long bị mời - tạm giữ từ 10 giờ ngày 15/3 đến 16 giờ ngày 18/3 mới được lập biên bản về việc bắt người; còn Nguyễn Hoài Nam bị mời và tạm giữ từ 10 giờ ngày 16/3 đến 18 giờ 55 ngày 17/3 và Lê Phước Trung bị mời - bị tạm giữ từ 20 giờ ngày 16/3 đến 1 giờ 30 ngày 17/3 mới dược lập biên bản về việc bắt người tại xã Lý Văn Lâm. Như vậy việc gia đình và các bị cáo luôn phản ánh cho rằng việc bắt không có người chứng kiến và đại diện gia đình; Kể cả không có thông báo hay ra quyết định tạm giữ là trái với quy định Điều 84-85- Bộ luật TTHS 2003

Vì sao không chứng kiến vẫn mô tả được chi tiết hành vi sai phạm?

Trong vụ án này ban đầu cơ quan CSĐT CA TP Cà Mau đã bắt giữ 07 người. Trong đó Lâm Hải Long thừa nhận hành vi sai phạm đầu tiên vào lúc 22 giờ 20 phút ngày 15/3/2015, người thứ 2 là Lâm Tấn Phong thừa nhận có thực hiện hành vi vi phạm lúc 23 giờ 15/3/2015, kế tiếp là Lê Phước Trung, Nguyễn Hoài Nam, Hà Gia Nguyên. Cuối cùng sau 03 ngày bị bắt giữ Đặng Hữu Thời thừa nhận hành vi sai phạm lúc 14 giờ ngày 20/3/2015. Về phía Hà Gia Nguyên và Lâm Tấn Phong sau 02 ngày bị câu lưu - 09 ngày bị tạm giữ thì được trả tự do nhờ người nhà cung cấp chứng cứ ngoại phạm.

Vấn đề đặt ra là tại sao anh Nguyên cách hiện trường khoảng 150 km và anh Phong cách hiện trường 40 km nhưng hai anh đều có lời khai mô tả rất chi tiết tỉ mỉ hành vi sai phạm của mình và những người khác, trong khi hai anh này không hề tham gia hay hiểu biết về sự việc.

Cụ thể anh Hà Gia Nguyên khai: “Khoảng hơn 0h ngày 15/3/2015 tôi đang ngồi với bạn Duyên... bạn Thư... ngồi uống nước tại quán cà phê... thì anh Thời điện thoại vào máy di động của tôi… Thời dùng số diện thoại lạ tôi không nhớ, khi điện thoại tôi. Thời nói là anh bị đánh ở khu Hoàng Tâm mày vô tiếp anh. Nghe Thời nói vậy tôi đưa 2 bạn của tôi về nhà và tôi đi thẳng vào khu Hoàng Tâm, khi tôi đi ngang khỏi đầu đường vào xã Lý Văn Lâm 01 đoạn thì gặp bạn Lâm Tấn Phong đang ngồi uống cà phê một mình, tôi dừng xe lại nói “Anh Thời bị đánh ở khu Hoàng Tâm, bạn đi tiếp anh Thời với tôi… khi tôi nói vậy Phong đồng ý và lên xe tôi chở Phong đi...

Khi tôi và Phong đến trước nhà nghỉ Trung Hoa thì gặp anh Thời cầm cây mã tấu (dao tự chế) Trung cầm dao phay, Nam cầm mã tấu (dao tự chế) còn những người còn lại cầm vật gì tôi không xác định... Chúng tôi tập trung tại đó khoảng 10 phút thì anh Thời đưa tay chỉ về hướng bãi cát và nói “Nó kìa”. Lúc này cả nhóm cầm hung khí chạy đến chém 3 người thanh niên đó rất hỗn loạn... Riêng tôi cầm một khúc cây tràm dài khoảng 80-90 cm đường kính khoảng 04,05cm đánh vào lưng của một người... Chúng tôi vây đánh chém 3 người đó khoảng 5 phút thì anh Thời nói “Rút về, rút về”. Khi nghe vậy tất cả mọi người lên xe rút khỏi hiện trường, bản thân tôi vứt khúc cây tại hiện trường và lên xe chạy về nhà tôi ngủ...”.

Điều trớ trêu khôi hài anh Hà Gia Nguyên còn khai rành mạch chi tiết: “Vào rạng sáng ngày 15/3/2015 tôi dùng xe… chở Phong (Quẹo) lại khu cổng Hoàng Tâm để đánh tiếp Thời do Thời bị nhóm nào đó chém… Tôi chạy xe đến gần nhà trọ Trung Hoa thì thấy rất đông người, tôi chạy xe chậm thì thấy Long, Thời, 01 số người nữa tôi mới ghé vào đậu xe cạnh hẻm nhà trọ Trung Hoa. Lúc đó tôi quan sát mới thấy đứng tụ gần hẻm có Nam (cầm mã tấu) Trung cầm dao phay, Hà Duy (anh em bà con của tôi, tôi không để ý thấy Hà Duy cầm gì), Anh Duy (bạn của tôi quen đã 01 năm tôi cũng không đề ý Duy cầm gì ), Long cầm mã tấu, Thời cũng cầm mã tấu và 1 số người nữa không biết tên cũng cầm hung khí. Tôi mới chạy đi lấy khúc tràm để làm hung khí đánh nhau, quay lại thấy Phong cũng cầm vật gì màu đen...”.

Tại Biên bản nhận dạng ngày 19/3/2015, anh Hà Gia Nguyên xác định ảnh số 1 là Đặng Hữu Thời là người trực tiếp tổ chức chém người khác gây thương tích. Ngoài ra anh Nguyên còn xác định các ảnh có thứ tự số 3 (Lâm Tấn Phong), 5 (Nguyễn Hoài Nam), 7 (Lâm Hải Long), 8 (Lê Phước Trung) là những đối tượng cùng tham gia chém người gây thương tích… Thế nhưng sau đó Nguyên được trả tự do nhờ có băng ghi hình thời điểm xảy ra vụ án Nguyên đang ở Kiên Giang cách hiện trường 150 km và được kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an nên Nguyên được minh oan trả tự do. 

Đồng cảnh ngộ bị bắt oan với Nguyên còn có anh Lâm Tấn Phong. Biên bản ghi lời khai hồi 23 giờ ngày 15/3/2015 anh Phong khai:

“Vào đêm 14 rạng sáng 15/3/2015 tôi đang ngồi uống cà phê của cô Oanh đầu đường vào xã Lý Văn Lâm một mình thì Nguyên không biết từ đâu chạy xe lại… gặp tôi nói rằng: Nhóc Nam (Nguyễn Hoài Nam) kêu lại đằng Hoàng Tâm đánh lộn… Tại đây đã có Trung, Thời, có thêm 3,4 người khác mà tôi không biết tên …sau đó Long, Nam lại sau cùng… Nguyên đưa cho tôi một cây mã tấu, Nam cầm một cây mã tấu… Long một cây mã tấu… Trong nhóm gồm tôi một cây mã tấu, Nam một cây mã tấu, Thời một cây dao phay, bạn của Thời hai người cầm hai khúc tràm…”.

Đặc biệt Biên bản nhận dạng hồi 15 giờ ngày 19/3 đến 15 giờ 25 phút ngày 20/3/2015. Sau khi bị làm việc suốt trọn ngày đêm anh Lâm Tấn Phong xác nhận:

“… Tôi xác định ảnh số 11 là ảnh của Nguyên đã cùng tôi đi đánh nhau tại Cổng Hoàng Tâm …ảnh số 5 là của Nam (Nguyễn Hoài Nam) …ảnh số 7 là ảnh của Long (Lâm Hải Long) cùng tham gia đánh nhau tại khu Hoàng Tâm vào rạng sáng 15/3/2015…”.

Tuy nhiên cuối cùng anh Phong cũng được trả tự do nhờ bà Ngô Thúy Nga chủ quán karaoke chứng minh bằng camera ghi hình đêm 14 sáng 15/3 Phong đang làm công và ngủ tại quán nên được phóng thích. Được biết cả 02 anh Nguyên và Phong đều lý giải rằng vì thấy “sợ”, vì đọc được bản khai của người khác nên viết “Tờ nhận tội”. Điều gì làm 02 thanh niên này phải sợ và đọc được bản khai để rồi mô tả chi tiết vụ án như người trong cuộc, kể cả nhận dạng nhiều người khác?

Rõ ràng phải có sự dẫn dắt theo một kịch bản và không loại trừ khả năng bức cung? Bởi anh Nguyên, anh Phong không thể nào diễn tả hành vi vi phạm gây bất lợi tù tội cho chính mình và cho nhiều người khác, trong khi 02 anh hoàn toàn không có mặt tại hiện trường và không hề thực hiện hành vi gây án. Từ đó câu hỏi nghi vấn các bị cáo còn lại luôn kêu oan phải chăng họ cũng đã từng bị dẫn dắt trượt ngã theo vết xe đổ nêu trên.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...