Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 16/09/2020 13:54 (GMT+7)

Vụ đánh ghen trên phố Lý Nam Đế: Cả 3 người đều có thể bị xử phạt

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, uy tín của người khác, vi phạm trật tự công cộng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những tội khác nhau như: 'Tội làm nhục người khác, Tội cố ý gây thương tích, Tội gây rối trật tự công cộng',…

Liên quan đến vụ đánh ghen ở phố Lý Nam Đế, ngày 16/9 Công an phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, sự việc có dấu hiệu vi phạm trật tự công cộng.

“Vụ việc xảy ra nhanh. Ba người sau đó không ai trình báo bị hành hung hay có thương tích nhưng chúng tôi vẫn đang xác minh nguyên nhân, kiểm chứng thông tin vụ việc để báo cáo cấp trên”, chỉ huy Công an phường nói.

Trước đó, vào chiều 15/9, trên mạng xã hội lan truyền một số clip ghi lại cảnh người phụ nữ mặc áo chống nắng, đội mũ bảo hiểm đánh cô gái đi xe Lexus LX570.

Theo đó, người phụ nữ mặc áo chống nắng chặn đầu xế hộp rồi lôi cô gái ở ghế phụ xuống đường. Nam tài xế lập tức xuống xe bảo vệ cô gái bằng cách vung tay đấm và đánh cùi chỏ lại người phụ nữ đội mũ bảo hiểm.

“Người phụ nữ mặc áo chống nắng là vợ ông lái xe, đang đánh ghen”, một người dân nói trong clip.

Sự việc diễn ra trong khoảng 5 phút khiến phố Lý Nam Đế ùn tắc. Vụ việc vẫn đang được điều tra, làm rõ.

Đánh giá dưới góc độ pháp lý về vụ việc này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, pháp luật nước ta chưa có văn bản nào quy định về việc đánh ghen, tuy nhiên hành vi đánh người, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác là vi phạm pháp luật. Nếu đánh người nơi công cộng còn là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, uy tín của người khác, vi phạm trật tự công cộng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những tội khác nhau như: “Tội làm nhục người khác, Tội cố ý gây thương tích, Tội gây rối trật tự công cộng…”.

Theo Luật sư Cường, đối với vụ việc trên, những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội chỉ là một đoạn ngắn sự việc, chưa thể hiện được nguyên nhân, mối quan hệ giữa ba người đó. Tuy nhiên, với hành vi đánh người, gây náo loạn trên phố, ùn tắc giao thông thì người phụ nữ được cho là vợ này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Cụ thể Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định hành vi đánh nhau có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng (điểm a khoản 2 Điều 5); hành vi gây rối làm mất trật tự công cộng có thể bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng (khoản 3 Điều 5).

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;
b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
c) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau;
d) Gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án;
đ) Gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế;
e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;
Người chồng đối diện án hình sự?

Theo Luật sư Cường, đối với người chồng và người được coi là “bồ nhí” của người chồng, thì cũng có thể bị xử phạt nếu xác định được hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình một vợ một chồng. Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với người đang có vợ (đang có chồng) mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ (hoặc chưa có chồng) mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ. Trong trường hợp, hành vi ngoại tình có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng” theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Dưới góc độ đạo đức thì “người thứ ba” chen vào cuộc sống gia đình của người khác là sai, đáng chê trách. Dưới góc độ pháp luật thì “người thứ ba” chen vào cuộc sống hôn nhân gia đình của người khác là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình một vợ một chồng.

Tuy nhiên, Luật sư Cường đánh giá, nếu chuyện ngoại tình là lén lút, không công khai, không chung sống như vợ chồng thì pháp luật không can thiệp. Pháp luật quy định “chung sống như vợ chồng” là phải chung sống một cách công khai, ở chung một nhà, có con chung hoặc có tài sản chung, quan tâm chăm sóc với nhau một cách công khai trước chính quyền địa phương, trước họ hàng làng xóm như vợ chồng thực sự. Hành vi đó mà diễn ra giữa những người đã có vợ, có chồng với người khác mà chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân thì mới là hành vi vi phạm pháp luật.

Ở vụ đánh ghen ở phố Lý Nam Đế này, người đàn ông đi Lexus LX570 đã đánh cùi chỏ vào mặt vợ mình, đánh đập vợ mình để giải thoát cho cô gái trẻ. Bởi vậy, trong tình huống nếu người vợ có đơn trình báo đề nghị xử lý và kết quả giám định thương tích cho thấy, người vợ có tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên hoặc tỷ lệ thương tích dưới 11% nhưng hành vi được xác định là có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, thì người chồng vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vụ việc này xảy ra nơi công cộng, gây ách tắc giao thông, nên dù không có đơn thư tố cáo, tố giác nhưng qua hình ảnh đăng tải công khai trên mạng xã hội, thì cơ quan công an cũng sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật. Với hành vi đánh người, đánh nhau nơi công cộng, gây ách tắc giao thông trên một tiếng đồng hồ hoặc hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đánh ghen về tội gây rối trật tự công cộng.

Cùng chuyên mục

Chưa rút BHXH mà qua đời thì có bị mất tiền đã đóng?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, người lao động đang đóng BHXH, hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm 02 khoản: Mai táng phí và trợ cấp tuất (trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng).

Tin mới