Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 09/05/2020 07:15 (GMT+7)

‘Án oan sai’ – Hiểu sao cho đúng?

Trên thực tế, chúng ta thường hay nghe cụm từ “án oan sai” khi nói về các vụ án hình sự gây rúng động trong dư luận xã hội. Trong đó, các bị cáo bị tuyên ở mức án cao nhất nhưng sau đó được minh oan. Theo tôi, việc đồng nhất hai loại “án oan” và “án sai” là một là chưa chính xác bởi lẽ án oan và án sai là hai việc khác nhau.

Ảnh minh hoạ
Nghĩa thông thường của từ “oan” là chỉ việc bị quy tội không đúng, phải chịu sự trừng phạt một cách sai trái, vô lý. Trên cơ sở này, khái niệm “oan” trong tố tụng hình sự (TTHS) gồm những nội dung sau:

– Thứ nhất, công dân bị khởi tố, tạm giam, tạm giữ nhưng sau đó cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, trả tự do vì hết thời hạn tạm giam, tạm giữ mà không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi phạm tội, hoặc người đó chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc chứng minh được hành vi của người đó không cấu thành tội phạm (CTTP).

– Thứ hai, công dân đã bị truy tố ra toà án để xét xử nhưng toà án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc bản án kết tội của toà án cấp dưới bị toà án cấp trên huỷ, tuyên bị cáo không có tội.

– Thứ ba, công dân bị truy tố, xét xử, kết án theo một tội danh nặng hơn so với tội danh trên thực tế đã phạm và bản án đã được toà án cấp trên sửa theo hướng nhẹ hơn.

Theo Từ điển Tiếng Việt thì từ “sai’’ được hiểu là “không phù hợp với cái hoặc điều có thật, mà có khác đi”. Trong TTHS, việc giải quyết vụ án sai là trường hợp các CQTHTT giải quyết vụ án được giao một cách không khách quan, trái với những quy định của pháp luật. Oan và sai trong TTHS là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau, nhưng có mối quan hệ với nhau: Việc làm oan người vô tội luôn luôn là hệ quả của hành vi trái (sai) pháp luật. Trong khi đó khái niệm “sai” được hiểu là tính chất của hoạt động hoặc chất lượng giải quyết vụ án hình sự của CQTHTT.

Cũng có nhiều trường hợp hành vi sai pháp luật của CQTHTT không dẫn đến việc làm oan người vô tội, ví dụ: Trong quá trình điều tra, Điều tra viên đã hỏi cung bị can không đúng quy định của luật TTHS (hỏi cung ban đêm…) hoặc do thiếu trách nhiệm trong việc đánh giá chứng cứ của vụ án, thẩm phán đã áp dụng điều luật quy định tội phạm của Bộ luật Hình sự không phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo. Những trường hợp sai như trên không thuộc nội hàm khái niệm oan. Do vậy, “oan” và “sai” không được đồng nhất với nhau. Ta không nên dùng cụm từ “oan sai” mà chỉ sử dụng cụm từ “oan”, “sai” hoặc “oan”, “sai” độc lập trong những tình huống thích hợp. Sự nhầm lẫn trên mặc dù chỉ là về mặt ngôn ngữ, nhưng trong khoa học pháp lý thì ngôn ngữ pháp lý phải được sử dụng một cách chính xác.

Có một thực tế nữa liên quan đến “án oan sai” là người ta thường  nghĩ đến các vụ án hình sự trong đó có hậu quả chết người và các bị cáo thường bị tuyên với mức án cao nhất chứ ít quan tâm đến các vụ án dân sự dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình (sau đây gọi chung là án dân sự) mặc dù bản chất và hậu quả đối bản án làm oan sai trong hình sự và dân sự đều giống nhau và đều hướng tới một thể nhân hoặc pháp nhân cụ thể.  

Đối với các vụ án dân sự bị tuyên oan, sai làm cho đương sự có thể bị tán gia bại sản, suy sụp tinh thần không những đối với bản thân họ mà còn liên quan đến cả gia đình họ. Có những trường hợp do oan trái, bức xúc mà dẫn cái chết. Từ thực tế này cho thấy việc xem xét đối với “đơn khiếu nại” đối với các bản án dân sự nói chung theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm khi có các dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới cũng phải được xem trọng như các “đơn kêu oan” trong các vụ án hình sự. Có như vậy mới đảm bảo nguyên tắc khách quan, toàn diện, đầy đủ cũng như nguyên tắc pháp chế XHCN theo quy định của pháp luật.

Được biết, ngày 06/5/2020, Hội đồng thẩm phán của tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) do Chánh án tòa án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa sẽ mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm đối với vụ án của tử tù Hồ Duy Hải. Cũng giống như vụ án oán của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, vụ án này cũng gây rung động xã hội. Tuy nhiên, hai vụ án này có sự khác nhau về căn cứ dẫn đến việc xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Nếu như ở vụ Huỳnh Văn Nén, việc các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét lại vụ án là do hung thủ giết bà Lê Thị Bông là Nguyễn Thọ tự ra đầu thú sau đó Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc quyết liệt dẫn đến việc giải oan cho người tử tù này sau gần 18 năm ngồi tù. Còn đối với vụ án của Hồ Duy Hải thì kẻ thủ ác vẫn còn trong vòng bí mật. Để có kết quả của việc xem xét giám đốc thẩm ngoài việc bền bỉ kêu oan của gia đình bị cáo, sự phản ứng quyết liệt của dư luận xã hội thì vụ án này đã được Chủ tịch nước xem xét, sau đó được các cơ quan tư pháp Trung ương đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, việc mở phiên tòa giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải do đích thân Chánh án TAND tối cao làm chủ tọa cho thấy nền tư pháp Việt Nam đã có một bước tiến rất đáng ghi nhận, thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của cơ quan xét xử. Hy vọng kết quả của phiên tòa sẽ cho thấy những mảng tối trong công tác điều tra, truy tố, xét xử bấy lâu nay sẽ được làm rõ. Sự kiện này cũng tạo tiền đề cho công cuộc cải cách tư pháp đúng theo như Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã chỉ ra.

Nếu như trong phiên tòa sắp tới, trước sự kỳ vọng của dư luận cả nước Hội đồng thẩm phán làm rõ được tất cả các tình tiết còn khuất tất, những dấu hiệu được cho là vi phạm tố tụng nghiêm trọng và có một phán quyết công bằng, khách quan thì đây chính là biểu tượng công lý của ngành tòa án Việt Nam thay vì sử dụng hình tượng của một vị vua thời phong kiến làm biểu tượng.

LUẬT SƯ NGUYỄN ĐÌNH HẢI

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH ĐỒNG NAI

Cùng chuyên mục

Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng như nêu rõ các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán.
Những đơn vị tiếp nhận xử lý thông tin về vi phạm giao thông
Thời gian qua, một số trường hợp người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm trên mạng xã hội đã được CSGT ghi nhận, xác minh, xử lý. Vậy, lực lượng Công an có đầu mối tiếp nhận các loại thông tin này để người dân cung cấp trực tiếp không? Hướng dẫn cụ thể thế nào?

Tin mới

Công khai danh sách người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng
Ngày 16/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, quy định rõ việc công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp.
Chiêu lừa cũ dụ dỗ nhiều nạn nhân mới
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo, để tự bảo vệ mình, người dùng trước hết phải nâng cao cảnh giác, phải rất thận trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu tham gia các chương trình/ hội nhóm từ các cuộc gọi có nguồn gốc không rõ ràng.
Trường đại học phải xét tuyển tất cả phương thức đã công bố
Một trong những yêu cầu quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đại học trong kỳ tuyển sinh năm 2024 là trong trường hợp các trường sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển thì phải tổ chức xét tuyển tất cả các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho thí sinh theo đề án đã công bố.
Người bị sốt siêu vi nên ăn gì, kiêng gì?
Khi bị sốt siêu vi, bạn sẽ mất cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, chế độ ăn uống có thể giúp tình trạng sốt siêu vi giảm các triệu chứng và giúp người bệnh mau hồi phục. Vậy sốt siêu vi nên ăn gì và không nên ăn gì?