Xã Hương Cần (Thanh Sơn - Phú Thọ): Cần làm rõ những kiến nghị của công dân!
Người dân phản ánh, UBND xã Hương Cần thu hồi đất dân nhưng đền bù không thỏa đáng, gây ô nhiễm môi trường và giao đất khoán đất có nhiều khuất tất...
Vừa qua, báo nhận được một số thông tin phản ánh của người dân tại khu Lịch 2 Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ. Các hộ dân cho biết: Bao đời nay người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp: Cấy lúa, trồng cây lâu năm, cây công nghiệp (cây sơn), cây lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ các loại gia súc, gia cầm, để có thu nhập nuôi sống gia đình và cho các con ăn học.
Ông Phan Văn Sơn, Chủ tịch UBNB xã Hương Cần trao đổi với PV. |
Các hộ gia đình nhận sử dụng đất từ năm 1980 đến nay nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến năm 2011 cán bộ địa chính tỉnh đã về đo quy hoạch bản đồ và đất quy chủ để cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng UBND Hương Cần không cho.
Đến năm 2014 UBND xã Hương Cần thu hồi đất của người dân chỉ đền bù cây cối như cây sơn và cây keo, mà không đền bù công canh tác cải tạo đất mấy chục năm trời của các hộ dân, khi thu hồi UBND xã cũng chỉ thông báo các hộ có đất tại khu vực đó đến kiểm đếm cây của từng hộ, và thông báo thu hồi đất trên. Sau khi kiểm đếm xong chỉ sau vài ngày, UBND xã đã đưa 03 người lạ mặt đến trả tiền đền bù cho các hộ trong thời gian quy định, nếu hộ nào không nhận tiền đền bù mà không giải tỏa cây thì khi máy vào thi công sẽ múc bỏ.
Các hộ dân tiếc công chăm sóc nên đành phải nhận tiền đền bù cho xong, nhưng tâm tư rất bức xúc.
UBND xã Hương Cần đã thu hồi đất của 13 hộ với tổng diện tích là 31.672 m2 đem giao cho ông Nguyễn Tiến Đôn. Khi thu hồi đất không thông qua nhân dân khu Lịch 2 và không có quyết định thu hồi đất, cũng không có thông báo đấu thầu hay đấu giá để nhân dân được tham gia. Đền bù xong cho các hộ dân, ông Đôn mang máy và công nhân vào làm trang trại chăn nuôi lợn.
Năm 2015 việc nuôi lợn của ông Đôn gây ô nhiễm không khí và nước xả thải gây bức xúc trong nhân dân, yêu cầu phải di chuyển số lợn trên 5.000 con ra khỏi trang trại, lãnh đạo huyện Thanh Sơn và lãnh đạo xã Hương Cần phải về giải quyết, đình chỉ không cho hoạt động và xử lý 03 ao nước thải đi nơi khác, trang trại tạm dừng hoạt động một thời gian chờ giải quyết của các cấp có thẩm quyền.
Sự việc trên chưa được giải quyết thì đến ngày 10/5/2017 ông Nguyễn Tiến Đôn lại được UBND tỉnh Phú Thọ ra Quyết định số 1010/QĐ-UBND giao đất cho Công ty cổ phần và phát triển thỏ Hòa Phát thuê đất 49 năm với giá rẻ.
Có giấy tờ trên ông Đôn tiếp tục đưa thỏ vào chăn nuôi, nhân dân không nhất trí, buộc ông Đôn phải di chuyển thỏ đi. Nhân dân, một lần nữa yêu cầu làm rõ về việc thu hồi đất và giao đất cho doanh nghiệp và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thì bên phía trang trại tiếp tục đưa công nhân và máy móc vào chuyển sang trồng nấm.
Để xác minh làm rõ thông tin phản ánh của người dân, nhóm PV đã có mặt tại UBND xã Hương Cần, trao đổi với PV ông Phan Văn Sơn - Chủ tịch UBNB xã cho biết: Sau khi trại lợn gây ô nhiễm bên phía chính quyền đã đình chỉ và yêu cầu vận chuyển hơn 5000 con lợn ra khỏi trang trại. UBND tỉnh đã ra quyết định phạt 225.000.000 đồng vì không đảm bảo môi trường, Công an Môi trường tỉnh phạt 30.000.000 đồng và huyện phạt thêm 5.000.000 đồng, đình chỉ 9 tháng hoạt động yêu cầu không chăn nuôi khắc phục môi trường trong đó bao gồm cả 03 ao xả thải. Trong thời gian đình chỉ, trang trại tiếp tục nuôi trộm thỏ và bị người dân phát hiện, sau đó bên chính quyền tiếp tục đình chỉ không cho hoạt động. Sau đó chuyển đổi thành trồng nấm và được UBND tỉnh phê duyệt.
Ngoài nội dung trên một số hộ dân tại đây còn phản ánh thêm tại khu Lịch 1 có khu đất mạ đồng Chăm có cơ chế chuyển khoán cho các hộ nhưng khu đất này không dùng để gieo mạ tập trung nữa. Tập thể xã cho ông Bùi Văn Tám đấu thầu để làm gạch khi hết đất làm gạch ông Tám chuyển sang san lấp hố gạch làm xưởng chế biến tinh bột sắn, đến khóa 2005-2010, Chủ tịch xã là ông Phùng Đức Hòa đã ký số diện tích trên để cho ông Tám làm giấy chứng nhận QSDĐ, số diện tích trên dược chia làm 02 giấy chứng nhận QSDĐ, khi hoàn tất thủ tục thì ông Hòa giao cho ông Tám 1 giấy chứng nhận QSDĐ còn lại thì ông Hòa giữ.
Đến khóa 2010-2015, ông Phùng Đức Hòa nghỉ hưu, Chủ tịch xã mới là ông Dương Đức Khánh. Ông Hòa có giao cho ông Khánh lại bìa đỏ mà mình đã giữ, ông Khánh liền giao cho bên chuyên môn tách giấy chứng nhận QSDĐ này thành 06 suất cấp cho một vài cán bộ, người thì đứng tên, người thì mượn người khác đứng tên để hợp thức hóa. Một số suất đất đã bán lại cho người khác với mỗi suất bám theo mặt đường Quốc lộ 70B có giá hơn 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng).
Người dân còn cho biết thêm, xã Hương Cần có chiều dài nằm hai ven đường Quốc lộ 70B là 8km, Nhà nước nâng cấp đường bê tông khi làm xong đường có đền bù hành lang đường cho các hộ dân sống ở hai ven đường còn các công trình tập thể, công trình Nhà nước, đất lâm nghiệp không được đền bù nhưng UB xã đã thống nhất với các đơn vị đo đạc và địa chính để cử người đứng tên trên các diện tích đó để nhận tiền đền bù nộp về xã, xã thống nhất trích lại cho các hộ đứng tên nhưng đến khi nhận tiền một số hộ không trích lại cho xã.
Sự việc mới xảy ra nhiều mâu thuẫn khi phát hiện sự việc trên UBKT Đảng ủy xã họp triển khai giao cho các cán bộ trong ban kiểm tra xác minh làm rõ sự việc và báo cáo cho Đảng ủy xã. Trong khi đoàn kiểm tra triển khai thực hiện công việc thì không có sự hợp tác của các cán bộ UBND xã, bên chuyên môn không cung cấp cho đoàn kiểm tra danh sách các hộ được đền bù, số diện tích và số tiền được nhận đền bù.
Chúng tôi xin chuyển toàn bộ nội dung trên tới các cơ quan chức năng xem xét và trả lời công khai cho người dân. Báo sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến tới bạn đọc.