Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 22/02/2020 05:24 (GMT+7)

Đông Triều, Quảng Ninh: Có không việc ông Vũ Công Tráng 'bôi trơn' khi làm sổ đỏ?

Ông Vũ Văn Tráng đã phải chi đến 1 tỉ 187 triệu đồng cho 4 cán bộ có quyền có chức để chạy làm sổ đỏ cho hàng nghìn m2 đất đang sử dụng, sự "giúp đỡ" không thành, một số người đã mang tiền trả lại, nhưng một số người lại "lật kèo" tráo trở.

Một nghi án tham nhũng hay một câu chuyện đau lòng đã xảy ra tại thị xã Đồng Triều như sau, từ cuối năm 2013 ông Vũ Văn Tráng sinh năm 1970, trú tại tổ 1, khu 1, phường Mạo Khê đã phải chi đến 1 tỉ, 186 triệu đồng cho 4 cán bộ có quyền có chức để chạy làm sổ đỏ cho hàng nghìn m2 đất đang sử dụng. Sự “giúp đỡ” không thành, một số người đã mang tiền trả lại, nhưng một số người lại phớt lờ hoặc “lật kèo” tráo trở khiến “khổ chủ” đang trong cơn bệnh hiểm nghèo lại càng thêm nhức nhối….

Bệnh tật giày vò cùng với số tiền 750 triệu đồng (được cho là bôi trơn) giờ chưa đòi lại được khiến ông Vũ Văn Tráng càng thêm thẫn thờ, bi quan…

Trường hợp thứ nhất, người nhận nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Th. (hiện đang làm việc tại Văn phòng Đăng ký QSDĐ) với số tiền 750 triệu đồng nay nhất định không trả vì cho rằng ông Tráng nợ mình.

Theo lá Đơn trình bày gửi cơ quan báo chí ngày 19/12/2019 ông Vũ Văn Tráng có nội dung: “Tôi đưa cho bà Nguyễn Thị Th. Số tiền 750 triệu đồng làm ba lần. Lần một đưa 300 triệu tại cổng nhà bà Th; lần hai đưa 250 triệu ở trong nhà bà Th. ; lần ba là con trai tôi đưa cho bà Th. Thông qua cho bà L. là người nhà một lãnh đạo huyện Đông Triều (nay là thị xã) tại trụ sở UBND xã Hồng Phong (nay là phường)”.

Cũng theo đơn, lý do ông Tráng đưa 750 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Th. vì bà này gần nhà ông Tráng và đang làm ở Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Đông Triều. Hai bên thống nhất số tiền sẽ được “giải quyết” là 1 tỉ đồng, nhưng ông Tráng mới đưa được 750 triệu và như vậy còn thiếu (nợ) 250 triệu đồng.

Xác minh theo đơn của ông Vũ Văn Tráng, ngày 31/12/2019, PV có làm việc với UBND thị xã Đông Triều, ông Phó chánh Văn phòng cho biết: “Nghe nói ông Tráng có vay tiền của bà Th. mấy trăm triệu gì đấy. Bà Th. nói nó còn vay của tao đến giờ còn chưa trả tao. Nghe nói còn có giấy vay nợ…”. Ngoài đơn, ông Tráng còn cung cấp cho PV đoạn file ghi âm cuộc trao đổi, ngã giá vụ việc giữa ông Tráng và bà Th. hồi cuối năm 2013…

Đơn trình báo của ông Vũ Văn Tráng.

Để đảm bảo tính minh bạch, khách quan, PV có xin số điện thoại bà Nguyễn Thị Th. qua ông Phó Chánh VP UBND thị xã và đề nghị bà Th. cho biết ý kiến của mình gửi qua email của PV về nội dung đơn của ông Vũ Văn Tráng về số tiền 750 triệu đồng (ngày 6/1/2020). Bà Th, nhắn tin lại trả lời: “Tôi không nhận tiền của anh Tráng. Tôi chỉ cho vay, bây giờ anh ấy không trả tôi”.

Khi PV nhắn tin hỏi: “Anh Tráng nói chị chứng minh cho anh ấy vay tiền, có chứng cứ gì? Anh ấy nói còn ghi âm hai bên thỏa thuận chị "chạy" giấy tờ đất hết 1 tỉ đồng. Anh Tráng đã đưa cho chị 750 triệu, còn thiếu (nợ) 250 triệu?”. Bà Nguyễn Thị Th. nhắn tin khẳng định: “Tôi không liên quan đến việc chạy giấy tờ gì cho anh Tráng cả. Tráng vay tiền tôi 3 lần, cho con nhận tên là Ph. lên nhà tôi lấy để trả nợ vào gần Tết”.

Giải thích về những ý kiến của bà Th. nêu trên, ông Tráng cho biết: "Số tiền tôi nợ bà Th. là theo thỏa thuận tôi phải đưa cho bà ấy 1 tỉ đồng. Tôi mới đưa ba lần tổng là 750 triệu, tức là tôi còn trả thiếu 250 triệu được cho là tôi còn nợ. Nhân chứng là ông Trần Văn Hùng (trú khu Đoàn Kết – lxe tắc xi) đưa con nuôi của tôi là Nguyễn Văn Ph. đi đưa tiền ở cổng UBND xã Hồng Phong cho bà L". Ông Tráng còn khẳng định rằng: “Bà ấy nói cho tôi vay tiền là một điều phi lý vì vào thời điểm 2013, tôi làm Ban Quản lý chợ với dự án xã hội hóa trên 200 tỉ, tiền tôi lúc đó quá nhiều”.

Như vậy, ông Vũ Văn Tráng – Nguyên đơn vẫn khẳng định buộc “tội” bà Nguyễn Thị Th. cầm trực tiếp số tiền 550 triệu đồng và gián tiếp qua bà L. 200 triệu với tổng số là 750 triệu đồng thỏa thuận sẽ “chạy “giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) cho gia đình ông Tráng. Nếu sự việc được các cơ quan chứng minh là đúng thì bản chất của vụ việc có thể là dấu hiệu của tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ.

Theo đơn của ông Tráng, ngoài bà Th., còn có một số cán bộ nữa nhận tiền được gọi là “bôi trơn” như: Ông Vương Văn Th. 56 triệu đồng; ông Nguyễn Văn B., nhưng sự “giúp đỡ” không thành nên hai người này đã cho ông S. mang tiền đến hoàn trả và có chứng kiến của bà Hải – Phó CT HĐND p. Mạo Khê (nay là Chủ tịch HĐND). Khi làm việc với PV, bà Hải có xác nhận sự chứng kiến như trên.

Đặc biệt, hiện nay số tiền 290 triệu đồng theo đơn ông Tráng đưa “lót tay” cho một cán bộ Đông Triều có tên M. (đưa làm ba lần: Lần một và lần ba đưa 200 triệu và 20 triệu có sự chứng kiến của ông Hùng lái xe tắc xi; lần hai đưa 70 triệu tại nhà ông Tráng). Cho đến nay ông M. vẫn khước từ trước những lời đề nghị đói trả lại tiền của “khổ chủ” – Nguyễn Văn Tráng, khiến ông Tráng càng thêm bức xúc.

Cũng theo ông Tráng, sau khi đã chuyển cho các “đối tác” số tiền được gọi là gửi “bôi trơn” 1 tỉ 186 triệu đồng, gia đình đã nhận được Quyết định 713 vào ngày 30/6/2014 của UBND huyện Đông Triều về việc chuyển đổi 1.800 m2 đất trồng cây lâu năm sang đất ở và 1.660 m2 đất nuôi trồng thủy sản sang đất trồng cây lâu năm. Đáng lẽ, nếu sự việc trót lọt thì đến nay đã không xuất hiện lá đơn (tố cáo) của ông Tráng, nhưng vì quy trình chuyển đổi đất không đúng quy định, do đất gia đình ông Tráng đã ở lâu năm nhưng không được chính quyền đưa vào diện công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Đây là lỗi thuộc chính quyền chứ không thuộc người dân. Nhưng vì làm không đúng quy trình nên UBND huyện Đông Triều sau đó ra Quyết định 174 ngày 20/2/2017 và Quyết định 930 ngày 9/8/2017 thu hồi lại 08 giấy CN QSDĐ gia đình ông Tráng. Vì sự tắc trách nên một số cán bộ đã bị kỷ luật. Tuy nhiên việc khắc phục hậu quả cho gia đình ông Tráng do lỗi trên thì tuyệt nhiên các cấp chính quyền đã “quên” điều quan trọng đó?

Dư luận cho rằng, lâu nay việc xin cấp các loại giấy tờ về QSDĐ ở chỗ này, chỗ kia không phải là dễ. Việc “bôi trơn” thì có người nói có nhưng chứng minh hành vi thì rất khó vì không ai “biết ma ăn cỗ”… Đặc biệt vụ việc của gia đình ông Vũ Văn Tráng ở Mạo Khê là một vụ điển hình về việc chính quyền đã giải quyết biến cái “không thể” thành cái “có thể” một cách “hoàn hảo” với diện tích đất rất lớn. Hậu quả là vụ việc còn khiếu kiện kéo dài gây bức xúc dư luận. Nhưng hậu quả sẽ còn lớn hơn nếu các cơ quan chức năng không giải oan cho cán bộ của mình (nếu có) hoặc buộc tội cho những đối tượng đã lũng đoạn pháp luật (nếu có) thì sự mất lòng tin còn lớn hơn rất nhiều.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới